Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

Đi đẻ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Viện C) thì như thế nào? – Phần 1: Làm hồ sơ sinh

Chọn bệnh viện nào để đón bé chào đời là một trong những băn khoăn lớn nhất không chỉ của mẹ mà còn của cả gia đình. Mika được sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và mẹ cháu thực sự cảm thấy yên tâm khi chọn sinh nở tại đây.

Chọn bệnh viện nào để đón bé chào đời là một trong những băn khoăn lớn nhất không chỉ của mẹ mà còn của cả gia đình. Mika được sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và mẹ cháu thực sự cảm thấy yên tâm khi chọn sinh nở tại đây.   Ở phần đầu tiên này, mẹ Mika xin phép được nói về việc theo dõi thai cũng như làm hồ sơ sinh tại Viện C cho các mẹ chưa sinh bé tham khảo ạ.   Theo dõi thai kì Mẹ Mika xác định ngay từ đầu sẽ đăng kí sinh Mika tại Viện C vì địa điểm bệnh viện nằm cách nhà nội và nhà ngoại chỉ 2km, điều này sẽ vô cùng thuận lợi cho ông bà đi lại trong thời gian mẹ cháu mới sinh. Chính vì thế, mẹ Mika chọn theo khám bác sĩ làm ở viện C. Do thời gian đó, mẹ Mika không sắp xếp để đi khám được trong giờ hành chính nên mẹ Mika khám luôn ở phòng khám tại nhà ở Lý Nam Đế của bác sĩ, tiến sĩ Đinh Bích Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu (56 Hai Bà Trưng). Nếu các mẹ sắp xếp được thời gian thì có thể đăng kí khám luôn ở phòng khám 56 Hai Bà Trưng vì phòng khám này vẫn thuộc sự quản lý của viện C. Mẹ Mika xin phép không đi sâu vào việc thăm khám tại phòng khám riêng của bác sĩ mà sẽ lưu ý về những lần đi khám tại Phòng khám 56 Hai Bà Trưng ạ. Ở các mốc 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần, mẹ Mika siêu âm 4D ở Phòng khám 56 nhưng thật sự để nói về độ nét hình ảnh thì sẽ không được xuất sắc như các phòng khám tư máy móc mới, chuyên chụp lại hình ảnh bé để bố mẹ lưu lại làm kỉ niệm đâu ạ. Tuy nhiên, các thông số của thai nhi thì mẹ có thể yên tâm ạ.   Làm hồ sơ sinh tại Viện C Theo như mẹ Mika biết thì ngày từ tuần 28, các mẹ đã có thể đăng kí làm hồ sơ sinh tại viện C rồi. Tuy nhiên, các kết quả khám, xét nghiệm nếu quá 1 tháng kể từ ngày làm mà mẹ chưa sinh thì sẽ cần làm xét nghiệm lại. Chính vì thế, mẹ Mika làm hồ sơ sinh ở tuần 35 khi theo dõi biết thai nhi phát triển bình thường, không có dấu hiệu sinh non (Mika sinh lúc 38 tuần 3 ngày ạ). Mẹ Mika đăng kí hồ sơ sinh qua phòng khám 56 Hai Bà Trưng. Thời gian làm các công việc xét nghiệm, khám, siêu âm … cũng mất một buổi sáng. Nếu được, mẹ có thể đến phòng khám lấy số vào buổi chiều hôm trước để sáng hôm sau có thể được vào khám và lấy các xét nghiệm sớm hơn. Sau khi khám với bác sĩ theo dõi thai kì, mẹ sẽ được yêu cầu làm các xét nghiệm máu và nước tiểu cần thiết. Mẹ sẽ quay lại khu vực đóng phí cùng với phiếu chỉ định xét nghiệm để nộp tiền rồi đến phòng lấy mẫu theo số ghi trên phiếu thu. Chi phí khám, xét nghiệm, siêu âm … để làm hồ sơ sinh rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng ạ. Kinh nghiệm của mẹ Mika là các mẹ nên lấy sẵn nước tiểu ở nhà vào một chiếc cốc sạch (mẹ Mika dùng cốc nhựa hay đựng caramel ạ). Việc này sẽ giúp mẹ đỡ phải chờ đợi vào nhà vệ sinh để lấy nước tiểu. Nước tiểu được lấy vào lúc sáng sớm cũng cho kết quả chính xác nhất nữa mẹ nhé! Mẹ bỏ phần nước tiểu đầu và cuối đi ạ. Ngoài ra, ống đựng nước tiểu ở viện khá nhỏ, lấy nước tiểu vào ống cũng không dễ dàng cho lắm. Mẹ lấy nước tiểu sẵn ở nhà, đến đổ vào ống nghiệm là xong. Mẹ sẽ chỉ phải chờ làm xét nghiệm máu thôi ạ. Khi đi làm hồ sơ sinh, mẹ nhớ mang theo đồ ăn và nước uống để ăn ngay sau khi làm xong các xét nghiệm. Hôm đấy, mẹ cháu chủ quan không mang đồ ăn đi, Mika đạp bụng mẹ réo rắt luôn.   Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm và khám thai, các mẹ mang toàn bộ kết quả quay lại phòng khám tổng quát ban đầu để bác sĩ xem có cần kê thêm thuốc điều trị gì cho mẹ không. Sau đó, mẹ sẽ được hướng dẫn mang sổ khám, kết quả siêu âm, xét nghiệm sang một phòng khác để điền thông tin cá nhân để làm hồ sơ sinh. Xong bước này, mẹ được ghi lại mã hồ sơ lên sổ khám. Đi đẻ chỉ cần số hồ sơ này là đủ. Vậy nên, mẹ chụp lại ảnh mã số này, lưu vào cả điện thoại của mẹ và bố để đề phòng đi đẻ vội vã vẫn kịp làm thủ tục đi sinh nhé!   Phần sau, mẹ Mika sẽ tiếp tục nói về việc đi đẻ và ở lại viện C như thế nào ạ.