Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

Hành trình thai sản của Mẹ Vụng tại MêKông - P2 - Sinh em bé

Tiếp nối phần 1: Hành trình thai sản của Mẹ Vụng tại MêKông - P1 - Khám thai Mang thai 

Tiếp nối phần 1: Hành trình thai sản của Mẹ Vụng tại MêKông - P1 - Khám thai Mang thai    Ngày 30/01/2018 sẽ là ngày mà mình nhớ mãi. Hôm đó mình đi khám thai định kỳ, một tuần 1 lần và a lê hấp mình bị giữ lại. Chưa bao giờ trong đời mình có cảm giác như thế: cái cảm giác không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo khiến mình thật sự sợ hãi. Sau khi nghe phán quyết của bác Dung là mình phải nhập viện gấp để chuẩn bị sinh do đã có cơn gò và nhịp tim Erin yếu, mình được một em hộ sinh dìu dắt qua phòng số 8. Đây là nơi mình phải điền vô một số loại giấy tờ (bạn có thể yêu cầu bác sỹ đỡ sanh/mổ ở giai đoạn này nhé) và được thăm khám cũng như siêu âm, xét nghiệm máu lần cuối trước khi chuyển lên phòng tiền sản. Trong lúc đó, ông xã mình tất bật với các thủ tục khác như bảo hiểm, chọn phòng nghỉ sau sinh cũng như tạm ứng tiền viện phí.   Các thủ tục ở phòng số 8 đã xong, mình được chuyển lên phòng tiền sản, cách ly tạm thời với thế giới loài người. Bước vô phòng sẽ có người phát cho bạn một cái túi nylon chứa băng vệ sinh Diana, quần lót giấy dùng 1 lần, miếng lót chống thấm Caryn, một đôi dép và một đầm hồng chấm bi. Bạn sẽ được yêu cầu đi thay đồ, giày dép và bỏ hết tất cả các vật dụng cá nhân vào trong túi được phát. Túi ấy sẽ được để đầu giường của bạn trong suốt thời gian bạn nằm chờ sanh.   Trong lúc nằm chờ, bên cạnh việc phải nghe tiếng gào thét của các sản phụ, tiếng hô hào của các bác sỹ và tiếng khóc chào đời của các em bé thì mình cũng được các bác sỹ cũng như hộ sinh thăm khám và đo nhịp tim em bé nhiều lần. Cảm giác là mọi người rất chu đáo, cẩn thận và làm việc chuyên nghiệp với một thái độ không thể dễ thương hơn. Do là lần đầu vượt cạn nên mình đã có một vài câu hỏi nhảm nhí nhưng may phước là mọi người đều chịu khó lắng nghe và trả lời mình tận tình dù lúc ấy sản phụ nằm kín phòng. Ngoài ra, có một điều làm mình thấy lạ đó là bác sỹ cũng như hộ sinh tích cực tư vấn quá mức cần thiết về dịch vụ sinh không đau. Kiểu như là họ phải làm sao, bằng mọi cách để thuyết phục sản phụ đồng ý sử dụng dịch vụ. Trời đúng là không phụ người có công bao giờ, do sự nhiệt tình thái quá của các bác sỹ và hộ sinh mà theo quan sát của mình thì đa số các bạn vô cùng đợt với mình cuối cùng đều dính chưởng.   Mình chả biết là xui hay hay hên khi không bị chiêu dụ bởi vì…Cơn gò ngày càng mạnh mà tử cung mình thì không mở dù đã chích thuốc kích thích và nằm vật vờ từ 9h sáng đến 3h chiều. Vậy nên sau khi hội chuẩn, các bác sỹ quyết định là phải mổ mình thôi. Gọi là hội chuẩn nghe cho sang chảnh chứ thật ra chỉ đơn giản là bác sỹ trực hôm ấy gọi cho bác sỹ Dung, hai người nói qua nói lại gì đó và có đứa lên dĩa.   Ông xã mình được thỉnh vô để thông báo về tình trạng của mình cũng như tiếp tục điền thông tin vào một số giấy tờ. Xong xuôi đâu đó, mình được chuyển lên một cái băng ca, được vệ sinh thân thể và được phát cho 1 cái nón trùm đầu. Bước tiếp theo, chị hộ sinh đẩy mình qua phòng tiền phẫu. Trên đường đi thì ông xã mình ở đâu xuất hiện, chị hộ sinh rất tâm lý, dừng lại cho hai vợ chồng mình nói vài lời với nhau. Mình xúc động vô cùng khi nghe ông xã động viên. Xúc động dữ lắm mà không dám khóc vì sợ ông xã lo lắng và do sợ quê độ.   Vô phòng tiền phẫu, mình phải nằm chờ khá lâu, từ 3h30 đến 5h mới được chuyển qua phòng phẫu thuật vì kẹt phòng mổ, cộng với việc nhịp tim Erin lúc này đã ổn định nên ca của mình không phải là quá gấp nữa. Khoảng thời gian ấy với mình dài vô tận do cơn đau thể xác càng ngày càng tăng lên trong khi tinh thần thì tụt dốc không phanh. Người mình ướt nhẹp mồ hôi nhưng lại run cầm cập vì lạnh. Đầu óc thì rối loạn với những suy nghĩ tiêu cực rồi tự hỏi chuyến phiêu lưu này sẽ đi về đâu.   Giờ lành cuối cùng cũng đã điểm, mình được đẩy vô phòng mổ. Mình thấy cái đèn gì đó trên đầu mình được bật sáng. Các thể loại máy móc, dây rợ được gắn vào người mình. Một tấm màn được phủ ngang ngực mình để mình không thấy được những gì từ bụng trở xuống. Chỗ ấy của mình cũng được vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị cho ca mổ. Lúc đó mình nghĩ sinh mổ chả có gì là đáng sợ cho đến tiết mục gây tê. Mình chả thấy đau tí nào nhưng cái lưng thì hơi mệt khi phải cong người như con tôm để bác sỹ chích vào tuỷ. Sau mũi thuốc ấy, phần thân bên dưới của mình bắt đầu tê cứng và mọi người biết sao không, mình bị ngạt thở. Mình cứ nghĩ là mình sắp chết nên vô cùng hoảng loạn, càng hoảng thì càng không thở nổi. Mình ú ơ kêu bác sỹ Dung cứu mình. Nhưng lại một lần nữa, với thái độ điềm tĩnh, bác Dung “hiện ra” và trấn an mình. Chỉ với câu nói “Bình tĩnh nào Quyên, sắp được gặp con rồi, hít thở đều nào” mình đã lấy lại được dũng khí và tiếp tục chiến đấu. Gọi là chiến đấu chứ mình có làm gì được ngoài việc hít thở đều và phơi thân ra đó cho bác sỹ Dung và một bác sỹ nữa tên Duy muốn làm gì thì làm. Mình nghe tiếng xoạt trên da mình.   Sau đó là động tác như kiểu nhồi em bé ra khỏi bụng mình bằng một lực rất mạnh. Dù không đau nhưng cũng chẳng thể nói việc đó dễ chịu. Nhồi vài cái thì nghe “oe oe” và tiếng bác sỹ chúc mừng em bé ra đời. Cảm xúc lúc đó là quá hạnh phúc mọi người ạ, một cảm xúc thiêng liêng vô cùng mà không từ ngữ nào có thể tả nổi.   Sau đó, nữ hộ sinh mang em bé đến cho mình để mình nhìn mặt. Xác nhận lại với mình đây là bé gái, cân nặng của em cũng như em bé có đủ các chi rồi mang bé qua phòng dưỡng nhi. Trong lúc ấy, bác sỹ khâu vết mổ cho mình, công đoạn cuối cùng của một cuộc phẫu thuật.   Do trước đó, ông xã mình quá lo lắng vì phải đợi lâu hơn tưởng tượng nên đã gọi bác sỹ vài lần đề hỏi thăm tình hình. Vậy nên sau khi hoàn thành, bác sỹ Dung liền gọi cho ông xã mình thông báo tình hình và để mình nói chuyện với ông xã vài câu. Công nhận bác sỹ dễ thương thật! Mình cúp máy, tạm biệt bác sỹ rồi được chuyển qua phòng hậu phẫu. Phần 3: Sau sinh Facebook: https://www.facebook.com/mevung198 Blog: https://mevung.home.blog