Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

Hướng dẫn mẹ cách chăm sóc răng miệng cho bé. Cho con hàm răng xinh và nụ cười trong như màu nắng!

Chắc hẳn không có ông bố bà mẹ nào lại muốn bé yêu của mình sở hữu hàm răng xỉn màu, sâu lỗ chỗ, mọc lệch hoặc sớm bị ăn mòn. Phải làm sao để thiên thần nhỏ có được hàm răng chắc khỏe, đều màu và trắng sáng? Hóa ra, việc chăm sóc răng miệng cho bé ngay từ lúc sơ sinh lại giúp ích rất nhiều trong việ

Chắc hẳn không có ông bố bà mẹ nào lại muốn bé yêu của mình sở hữu hàm răng xỉn màu, sâu lỗ chỗ, mọc lệch hoặc sớm bị ăn mòn. Phải làm sao để thiên thần nhỏ có được hàm răng chắc khỏe, đều màu và trắng sáng? Hóa ra, việc chăm sóc răng miệng cho bé ngay từ lúc sơ sinh lại giúp ích rất nhiều trong việc hình thành thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày, giúp bé con thêm phần tự tin khi lớn lên.   Chăm sóc nướu, lưỡi và khoang miệng Ngay cả khi bé chưa mọc răng, bạn vẫn nên chăm sóc nướu cho bé mỗi ngày. Ở giai đoạn này, việc làm sạch nướu không cần dùng đến bàn chải hay kem đánh răng mà chỉ cần nước muối sinh lý, gạc rơ lưỡi hoặc bàn chải đánh răng bằng silicon y tế, có thể xỏ ngón trỏ vào. Bạn lồng gạc rơ lưỡi vào ngón trỏ, thấm nước muối sinh lý và chà nhẹ nhàng các mặt nướu của bé. Bạn không nên lau quá nhiều vì sẽ làm tổn thương nướu và khiến bé bị đau. Có vài trường hợp bạn lau nướu và thấy có mầm răng bé bằng nửa hạt gạo nhô lên khi bé mới chỉ khoảng 2-3 tháng tuổi. Tuy nhiên vài ngày sau lại không thấy nữa. Điều này là bình thường, bạn không cần phải lo lắng nhé!   Sau khi chà sạch 2 hàm nướu trên và dưới, bạn dùng ngón tay đeo gạc cọ xung quanh vòm miệng trên, dưới, 2 bên má trong và cả lưỡi. Nếu bạn để yên ngón tay trên lưỡi, em bé sẽ mút lấy mút để và tự cọ lưỡi vào miếng gạc. Lưỡi của bé được làm sạch tự nhiên như thế đó, thật thú vị phải không? Việc vệ sinh nướu, lưỡi và khoang miệng nên được làm đều đặn 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng (khi chưa ăn sáng hoặc sau bữa ăn nửa tiếng) và trước khi đi ngủ. Bề mặt lưỡi và khoang miệng có rất nhiều vi sinh vật gây mùi hôi, nếu không được lau sạch sẽ, các vi khuẩn đó sẽ gây ra mảng bám, lâu ngày khiến lưỡi bị tưa với những đám tưa trắng, dày, bám chặt trên mặt lưỡi. Lúc đó trẻ sẽ không cảm nhận được hương vị thức ăn và sinh ra chán ăn. Vì vậy, giữ khoang miệng sạch sẽ thơm tho chính là cách bạn giúp trẻ hào hứng hơn với các bữa ăn của mình. Ngoài ra, động tác chà xát cũng chính là mát xa nướu, kích thích lưu thông máu, rất tốt cho quá trình mọc răng sau này. Em bé của bạn khi đã quen với việc chà nướu mỗi ngày cũng sẽ cảm nhận được sự dễ chịu khi răng miệng sạch sẽ và dễ dàng “nâng cấp” lên dùng bàn chải khi có răng.   Chăm sóc những chiếc răng đầu tiên Thông thường khi được khoảng 4 tháng tuổi, các bé sẽ bắt đầu mọc răng sữa. Một số bé có thể mọc răng sữa khi đã 8-9 tháng. Trước khi mọc răng sữa vài ngày, các bé thường chảy nước miếng rất nhiều, sốt nhẹ ở một vài trường hợp và thích nhai cắn bất cứ vật gì.   Giai đoạn này, bạn vẫn tiếp tục dùng rơ lưỡi và nước muối sinh lý để vệ sinh và nhẹ nhàng mát xa 2 hàm, lưỡi và khoang miệng như trước, làm kỹ hơn ở vị trí có răng mới mọc lên. Bạn cũng nên làm việc này trước khi bé đi ngủ và sau bữa ăn sáng khoảng nửa tiếng để tránh vi khuẩn phá vỡ bề mặt răng sữa của bé. Chúng ta thường quen với việc vệ sinh răng miệng khi mới ngủ dậy, chưa ăn sáng, nhưng thực chất việc đó chỉ đảm bảo cho tính thẩm mỹ và tẩy sạch mùi hôi sau một giấc ngủ dài. Thực tế, thời điểm vi khuẩn sinh sôi và hoạt động trong khoang miệng lại là sau khi ăn 20-30 phút. Do vậy, bạn chú ý thêm để làm sạch răng và miệng của bé sau khi ăn nữa nha.   Từ 15 đến 18 tháng tuổi, các răng sữa của bé đã mọc gần như đầy đủ. Độ tuổi này, các bé rất thú vị, bé nào cũng muốn bắt chước hoạt động của người lớn, trong đó có cả chải răng. Đây cũng là lúc thích hợp để bạn dạy bé tự làm vệ sinh răng miệng. Bạn hãy chọn cho bé loại bàn chải đánh răng đúng độ tuổi, có đầu bàn chải ngắn, thuôn nhỏ, lông bàn chải mềm, tay cầm ngắn và kích thước phù hợp với lòng bàn tay bé. Khi chải răng, chú ý chải nhẹ nhàng theo chiều dọc, làm sạch kỹ chân răng, nơi tiếp giáp với nướu.   Bạn hãy đánh răng cho bé, đồng thời hướng dẫn bé tự tập. Nếu bé quá nghịch, bạn có thể đặt bé nằm trên giường để chải răng. Khi bé đã quen, bạn hãy chuyển sang phòng tắm. Bé có thể mất vài tuần hoặc hơn để luyện tập kỹ năng này cho thành thạo. Sau khi bé đánh răng xong, bạn hãy nhẹ nhàng xoa nướu răng cho bé. Điều này đảm bảo răng miệng của bé được vệ sinh cả bên trong lẫn bên ngoài.   Lựa chọn kem đánh răng cho bé như thế nào? Nếu bé nhà bạn đã biết súc miệng và nhổ nước súc miệng ra ngoài thì bạn có thể sử dụng kem đánh răng dành cho trẻ, mùi hương trái cây dễ chịu để bé làm quen. Một số loại kem đánh răng ghi rõ không có fluoride, một số khác ghi là có thể nuốt được. Đây là lựa chọn an toàn hơn cho các bé nhưng chỉ là giải pháp đề phòng khi bé chẳng may nuốt phải, chứ không phải là để bé nuốt thoải mái được đâu bạn nhé. Cẩn thận hơn, bạn có thể hỏi ý kiến nha sỹ trước khi quyết định cho bé dùng kem đánh răng. Nếu bé dưới 3 tuổi, bạn hãy chọn kem đánh răng chứa hàm lượng fluoride thấp hơn 1.000ppm (1.000/1.000.000). Trên 3 tuổi, bé có thể đánh răng bằng kem đánh răng chứa hàm lượng chất fluoride ở khoảng 1.350 – 1.500ppm. Sử dụng kem đánh răng vượt quá mức fluoride này sẽ gây hại, làm hỏng răng, nôn mửa và tiêu chảy. Nếu bé có thói quen nuốt kem đánh răng, bạn nên đổi kem đánh răng chỉ có 550ppm hoặc ít hơn và để ý xem bé có bỏ thói quen này không. Bạn hãy theo dõi sát sao để nhắc nhở và hướng dẫn bé nhổ ra kịp thời nhằm tạo thành thói quen đúng khi chải răng với kem đánh răng.   Khi nào nên đưa bé đến nha sĩ khám răng? Bạn nên đưa bé khám răng khi 1 tuổi và tái khám định kỳ sau 6 tháng/lần. Khi đi khám, nha sĩ sẽ cho bạn biết thêm một số cách để chăm sóc răng miệng cho bé, cách cho bé bú, cách đánh răng cũng như tư vấn cho bạn biết cách chọn kem đánh răng phù hợp với bé.   Các phương pháp chăm sóc răng miệng khác Ngoài việc đánh răng, bạn nên lưu ý những điều sau đây để chăm sóc răng miệng cho bé tốt hơn: Trong ăn uống, bạn không nên cho bé ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh, hạn chế tối đa những món ăn vặt và đồ uống có nhiều đường. Lưu ý bổ sung thêm hàm luợng can xi cho bé trong bữa ăn để đảm bảo cơ thể bé cung cấp đủ canxi cho quá trình phát triển răng. Khi cho bé ăn nhẹ, bạn nên cho bé ăn rau, phô mai hoặc các loại thực phẩm không có đường khác. Không nên cho bé uống nước ép trái cây và các loại đồ uống có gas để ngăn ngừa sâu răng. Cố gắng tập cho bé thói quen uống bằng ly, giảm dần đến loại bỏ bú bình khi bé được 1 tuổi. Duy trì một chế độ ăn lành mạnh và nhiều chất dinh dưỡng cho bé. Thay bàn chải đánh răng từ 3 – 4 tuần một lần. Nếu lông bàn chải bị tưa, hãy đổi ngay lập tức. Với sự chăm sóc cẩn trọng của mẹ, chắc chắn, các thiên thần nhỏ sẽ luôn giữ được hàm răng xinh xắn và nụ cười trong veo!