Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

1001 chuyện mẹ chồng giục con dâu sớm sinh quý tử

Sau đám cưới, mẹ chồng nào chẳng mong ngóng sớm được lên chức rồi được bế cháu. Thế nhưng tỉ lệ thuận với nỗi mong ngóng của mẹ chồng và nỗi lo nơm nớp của các nàng dâu khi mới chân ướt chân ráo về nhà chồng đã bị “giục đẻ”.

Sau đám cưới, mẹ chồng nào chẳng mong ngóng sớm được lên chức rồi được bế cháu. Thế nhưng tỉ lệ thuận với nỗi mong ngóng của mẹ chồng và nỗi lo nơm nớp của các nàng dâu khi mới chân ướt chân ráo về nhà chồng đã bị “giục đẻ”. Hồi mới cưới được ba tháng, mẹ chồng chị N. cứ hỏi lên hỏi xuống chuyện có em bé, khiến N. cũng lâm vào tình cảnh đứng ngồi không yên. Hai vợ chồng chị N. lấy nhau đã “cam kết ngầm” rằng sẽ tận hưởng cuộc sống vợ chồng son trong vòng 1 năm đầu tiên để đi đây đi đó, rồi sau đó mới có kế hoạch sinh em bé. Thế nhưng chỉ qua ba tháng mà mẹ chồng chị N. đã sốt ruột thay cho vợ chồng N. rồi. Đấy mới là câu chuyện của hồi mới cưới ba tháng. Giờ thì đã tám tháng trôi qua và chị N. vẫn chưa thấy có tín hiệu gì từ que thử. Mẹ chồng chị N. chuyển từ gọi điện hàng ngày giục giã, chuyển sang phương án lên Hà Nội ở hẳn với vợ chồng chị N. để tiện bề chăm nom theo dõi. Có hôm vừa đi chợ về bà đã ngồi than thở, “con dâu bà Hồng đầu ngõ, vừa cưới mấy tháng đã thấy lùm lùm cái bụng, cả cái Hằng con dâu bà Thơm ngõ bên nữa, cưới sau con cả tháng trời mà nghe đâu cũng thấy đi lại nặng nề rồi đấy”. Do mẹ chồng sốt sắng mà tình cảm vợ chồng chị N. cũng bao phen lận đận. Suốt ngày chị N. chỉ chăm chăm làm sao để nhanh dính bầu bắt chồng ăn thức ăn này cho bổ, chị còn nhờ chị em trong cơ quan tư vấn giúp, gọi chồng về quan hệ cho khớp "lịch" hay tư thế làm sao cho dễ dính bầu khiền "chuyện ấy" của hai vợ chồng như lịch của robot. Áp lực tâm lý lại càng làm cho “em bé” trốn mất tiêu. Không bị giục con đầu lòng như chị N., chị T. thậm chí còn rơi vào tình trạng căng thẳng hơn khi bị mẹ chồng giục sinh con trai. “Cái Nghé 3 tuổi rồi đấy, anh chị cố làm thế nào đẻ thêm thằng cu nữa thì đẻ, chứ lại con gái nữa thì chán lắm.” Chị T. cười gượng hỏi lại: “Sao lại chán hả mẹ? Con còn thích Nghé có thêm em gái nữa kia”. Mẹ chồng chị nghe vậy lại thở dài: “Ừ thì cháu nào chả là cháu, nhưng có nếp có tẻ vui cửa vui nhà hơn, ai mà chả thích có cháu trai”… Nghe mẹ chồng nói vậy mà chị T. không khỏi chạnh lòng. Con trai hay con gái cũng đâu phải chị muốn là được. Còn nhớ cưới nhau được 2 tháng, mẹ chồng chị bắt đầu giục chuyện sinh con: “Mấy đứa còn trẻ thì tranh thủ đẻ con đi cho nó khỏe, xong 4, 5 năm nữa đẻ tiếp đứa thứ 2 là đẹp. Thế nào cũng cố gắng đứa đầu là con trai, xong đến đứa thứ 2 thích con gì thì con. Bà nội chăm hết cho, các con không phải lo”. Lúc đó vợ chồng chị cũng chỉ vâng dạ cho qua chuyện. Nhưng đến khi mang bầu rồi biết được đó là con gái, chị T. lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng vì mẹ chồng mặt nặng mày nhẹ. Thậm chí trong bữa cơm, mẹ chồng chị và chồng chị thi thoảng lại tranh luận về chuyện con trai hay con gái, rồi bữa ăn lại kết thúc bằng sự giận dỗi lưng tròng nước mắt của mẹ chồng. Tình cảnh này cứ lặp đi lặp lại mãi làm cho chị vừa tủi thân vừa khó xử. Dẫu biết rằng các mẹ luôn mong muốn có cháu bế, nhưng các nàng dâu đừng tự tạo thêm áp lực cho mình. Các chị em hãy nhẹ nhàng tâm sự chia sẻ cùng mẹ chồng những khó khăn, vất vả hoặc lý do có thể chưa sinh con ngay được, bên cạnh đó hãy dành cho mình một khoảng thời gian nhất định để sắp xếp công việc, cuộc sống gia đình và đặc biệt là vấn đề sức khỏe, khi tâm lý các chị em đã sẵn sàng thì các "thiên thần" nhỏ sẽ đến bất cứ lúc nào. Ngày nay, khi mà chuyện vô sinh hiếm muộn đang khá phổ biến, thì nỗi lo của mẹ chồng âu cũng là chuyện cần được thông cảm. Mỗi nàng dâu thông minh sẽ tự biết cách điều chỉnh mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, tránh tình trạng căng thẳng, phải không nào? Khoảng cách thế hệ khiến các Mami dễ rơi vào hoàn cảnh khó xử với mẹ chồng, các mẹ bỉm sau khi sinh con xong cũng rất dễ rơi vào tình trạng mâu thuẫn với mẹ chồng, các mẹ chia sẻ câu chuyện của mình với MamiBuyvn nhé!