Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

CÚM A – B – CÚM MÙA: Câu chuyện về các loại Cúm!

Trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính có nguy cơ mắc cúm cao hơn, thời gian điều trị lâu hơn, tỷ lệ biến chứng cao hơn và bệnh thường phức tạp hơn.

“Lớp con em có 25 bé, hôm kia có 7 bé bị sốt nghỉ học, hôm sau chỉ còn con em với 8 bé khác đi học. Có mấy bạn báo là bị cúm A. Hôm nay con em bắt đầu sốt bác sĩ ạ, mà hắt hơi, chảy mũi ròng ròng. Tình hình này chắc em chả dám cho con đi học nữa bác sĩ ạ.” Đấy là cái cách mà nhiều bố mẹ các bé mô tả về tình hình cúm đang diễn ra mà mình và có lẽ nhiều bác sĩ Nhi khác được nghe thường xuyên trong thời gian qua. Thời tiết thất thường, ẩm, lạnh xen kẽ các đợt nóng khiến cho virus phát triển mạnh đặc biệt là virus cúm. Có nhiều người còn hoang mang lắm vì cứ nghe tới cúm A là nghĩ ngay tới cúm gia cầm, nghĩ ngay tới việc phải nhập viện, nghĩ ngay tới những tình trạng nặng, nghĩ ngay tới sốt cao có thể gây ra nhiều vấn đề khác… Vậy cúm mùa là gì, nó có thực sự nguy hiểm như mọi người nghĩ hay không? Để có hiểu biết hơn về cúm mùa và giảm bớt lo lắng, mời mọi người cùng tìm hiểu 1 số những điểm chính về cúm sau đây nhẹ. 1. Cúm là gì? Cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra. Đây là một trong những bệnh do virút PHỔ BIẾN nhất ở trẻ em ở cả VN và thế giới. 2. Cúm mùa là cúm gì? Gọi là cúm mùa vì gây bệnh theo mùa nhưng những năm gần đây, cúm hoành hành quanh năm. Cúm do virus cúm gây ra. Virus cúm được chia thành 3 loại gồm cúm A,B,C và mỗi loại cúm lại có rất nhiều chủng cúm khác nhau. Cúm A là loại thường gặp, gây ra các triệu chứng nặng nề hơn so với các loại cúm khác. Những loại cúm A đặc biệt như cúm gia cầm H5N1, H7N9 đã từng gây ra đại dịch cúm nguy hiểm. Đã có nhiều người tử vong vì những loại cúm này. Cúm B cũng thường gặp nhưng các triệu chứng thường nhẹ hơn, hiếm khi tử vong. Cúm C là gây ra những triệu chứng hô hấp rất nhẹ. Loại này có thể quên đi, ko đáng nhắc tới. 3. Cúm lây truyền như thế nào? Virus cúm thường truyền từ người này sang người khác qua ĐƯỜNG HÔ HẤP như hắt hơi, ho, qua việc dùng chung dụng cụ ăn uống.... Virus cúm cũng có thể sống trong một thời gian ngắn trên các bề mặt như tay nắm cửa, đồ chơi, bút, bàn phím, điện thoại, bàn ghế ... Trẻ chạm tay vào những đồ vật này sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt có thể bị mắc cúm. Người mắc cúm có thể lây cho người khác trước khi xuất hiện các triệu chứng 24h, lây mạnh hơn khi đã có triệu chứng và thường hết khả năng lây sau ngày thứ 7 của bệnh. Như vậy, cúm quá dễ lây truyền. 4. Những trẻ nào có nguy cơ cao bị mắc cúm? Trẻ có nguy cơ mắc cúm nếu: • Tiếp xúc với người bị cúm • Không rửa tay sau khi chạm vào bề mặt bị nhiễm cúm • Chưa tiêm phòng cúm Trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính có nguy cơ mắc cúm cao hơn, thời gian điều trị lâu hơn, tỷ lệ biến chứng cao hơn và bệnh thường phức tạp hơn. Như vậy không phải tất cả trẻ tiếp xúc với virus cúm đều bị cúm mà phụ thuộc cả và cơ thể trẻ. Trẻ khỏe mạnh hoàn toàn có thể chống lại virus cúm và không mắc bệnh. 5. Các triệu chứng của cúm ở trẻ em? Trẻ mắc cúm có thể có những biểu hiện sau: • Sốt, thường sốt cao liên tục, có thể sốt nhẹ. • Ho, hắt hơi, chảy mũi hoặc nghẹt mũi • Đau đầu • Đau mỏi người • Đau họng • Mệt mỏi • Buồn nôn, nôn, ăn kém • Rối loạn tiêu hóa 6. Cúm nguy hiểm như thế nào? Cúm có thể gây ra các BIẾN CHỨNG như viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim … thậm chí gây tử vong. Các biến chứng trên đường hô hấp thường gặp hơn, các biến chứng còn lại ít gặp. Những biến chứng cũng ít xảy ra ở trẻ khỏe mạnh so với những trẻ mắc các bệnh mãn tính hoặc miễn dịch yếu. 7. Trẻ được chẩn đoán cúm như thế nào? Thường thì các triệu chứng lâm sàng là đủ để chẩn đoán cúm. Nếu không chắc chắn, lấy dịch mũi làm test nhanh cúm có thể giúp xác định. 8. Bệnh cúm được điều trị như thế nào ở trẻ? Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, biến chứng của cúm cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ. Mục tiêu của điều trị là giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt các triệu chứng. Việc điều trị có thể bao gồm: Các thuốc làm giảm triệu chứng như: Paracetamol, thuốc ho, thuốc nhỏ mũi… Thuốc kháng virus như Tamiflu có thể được sử dụng trong trường hợp cần thiết. KHÔNG PHẢI TẤT CẢ CÁC BÉ BỊ CÚM ĐỀU CẦN DÙNG TAMIFLU. THUỐC KHÁNG SINH KHÔNG CÓ HIỆU QUẢ CHỐNG LẠI CÚM. Uống nhiều nước, nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ góp phần cải thiện tình trạng bệnh. 9. Phòng cúm như thế nào? Cách tốt nhất để phòng cúm là TIÊM VẮC XIN CÚM HÀNG NĂM. Trẻ đã tiêm vắc xin cúm nhưng vẫn có thể bị mắc cúm nhưng thường thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn và ít khi bị biến chứng hơn. Hạn chế tới những nơi đông người trong mùa cúm Rửa tay thường xuyên 10. Hạn chế lây lan cúm như thế nào? Che mũi và miệng bằng KHUỶU TAY hoặc KHĂN khi ho hoặc hắt hơi. ĐEO KHẨU TRANG khi bị cúm. KHÔNG HÔN đặc biệt hôn môi trẻ, nhất là khi nghi ngờ cúm. RỬA TAY thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi chăm sóc cho trẻ bị cúm. Làm sạch các dụng cụ, bề mặt mà người mắc cúm và người khác có thể chạm vào. Hà Nội, 27/03/2018 Bs Đào Trường Giang tổng hợp * Bài viết được Mamibuy chia sẻ trên sự cho phép của tác giả. Bài viết cùng tác giả:   【Hỏi đáp Nhi khoa】- Ho, đau họng có được ăn kem hay đồ lạnh? Tại sao Tantrum của trẻ đi quá đà? Giáo sư Mỹ hướng dẫn bố mẹ cách xử lý để sự quá đà này chấm dứt và trẻ trở nên ngoan hơn! -------------------------------------------------------------------- Đôi điều về tác giả Bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang là một bác sĩ trẻ tuổi với cách nói chuyện vui vẻ hóm hỉnh cùng chuyên môn y khoa của mình, bác sĩ Giang đã đang trở thành một chỗ dựa tinh thần và chỗ dựa sức khỏe cho nhiều bố mẹ có con nhỏ ở Hà Nội, đồng thời đang không ngừng lan tỏa đầy năng lượng tích cực tới nhiều gia đình. Nguyên tắc làm việc của bác sĩ: 1. Việc chẩn đoán bệnh nên dựa nhiều vào hỏi bệnh, khám lâm sàng. Nên dành thời gian hỏi kỹ, giải thích và tư vấn kỹ để người bệnh tin tưởng. Có tin tưởng thì người bệnh mới lạc quan uống thuốc và khỏi bệnh. 2. Thuốc nói chung chẳng phải bổ béo gì mà kể cả có bổ béo thì vẫn có thể có tác dụng ngoài ý muốn. Đối với trẻ em nên hạn chế tối đa có thể vì còn để bụng ăn đồ ăn mà kê nhiều thuốc bố mẹ cho uống cũng rất khó khăn. 3. Kháng sinh nên cân nhắc kỹ trước khi kê, đáng dùng thì dùng, không cần dùng thì đừng dùng. Dù cho kê 1 đơn không kháng sinh sẽ căng đầu và mất thời gian giải thích nhiều hơn so với không kê. Hơn nữa sắp đến thời không có kháng sinh để dùng nữa rồi nên nếu chúng ta không chung tay đẩy lùi lạm dụng kháng sinh thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ lãnh hậu quả rất nặng nề. Câu nói "hết thuốc chữa" khi đó không còn là câu nói đùa. 4. Mình rất thích những bố mẹ thông thái, có thời gian quan tâm đến con, sẵn sàng lắng nghe mình giải thích, luôn tìm hiểu kỹ về thuốc và sẵn sàng trao đổi với mình. Điều này giúp mình theo dõi các bé tốt hơn, học hỏi được nhiều điều hơn và mắc ít sai lầm hơn. Mời các bạn theo dõi bác sĩ Giang qua liên kết sau: Facebook cá nhân