Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

Viêm cơ tim - Lo thôi, đừng lo quá!

Các bạn mình đừng like, share vô tội vạ. Những thông tin không chính thống, không có nguồn tin cậy thì like ít thôi.

Gửi các bạn mình, hai hôm nay, các bạn chia sẻ nhau 1 bài viết về bệnh viêm cơ tim với tâm thế vô cùng hoang mang. Nào là bệnh nguy hiểm chết người ngay lập tức, nào là bệnh này lây nhanh lắm, nào là đừng đi qua con đường X vì dễ bị lây… Những tưởng đây là bài viết câu like nhưng không, đấy hoàn toàn toàn là tâm sự của 1 người phụ nữ mới mất chồng vì viêm cơ tim. Quả thực với môi trường sống như hiện tại thì việc các bạn mình quan tâm và hoang mang trước những thông tin như vậy cũng là điều dễ hiểu. Nếu mình phải dùng đủ combo hít bụi mịn, uống nước dầu thải và sống quanh khu hoàng hôn thì mình cũng chỉ có nước về quê nuôi gà giống nhiều người đã và đang làm mà thôi. Chỉ có điều, hoang mang không làm chúng ta mạnh khỏe được, thay vì chia sẻ, thay vì sợ hãi thì tại sao các bạn mình không bớt chút thời gian tìm hiểu xem bệnh này là bệnh gì, nguyên nhân từ đâu, nó nguy hiểm ra sao, khi nào phải đi khám và cần làm gì để phòng tránh?     Nhân việc này, mình lại 1 lần nữa gửi đến các bạn 1 số thông tin cơ bản về Viêm cơ tim, mong các bạn mình sẽ hiểu, sẽ bớt lo lắng. 1. Viêm cơ tim là gì? Trước hết, viêm cơ tim là tình trạng cơ tim bị viêm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm virus, vi khuẩn, nấm, chất độc, thuốc ... 2. Viêm cơ tim nguy hiểm thế nào? Phải thừa nhận rằng Viêm cơ tim hết sức nguy hiểm. Một người (kể cả trẻ em hay người lớn) ban đầu chỉ ho, hắt hơi, chảy mũi rất nhẹ nhàng nhưng sau đó 1 vài tiếng tình trạng xấu đi đột ngột, viêm cơ tim xuất hiện và hoàn toàn có thể tử vong. Thêm vào đó, bệnh nhân thường đến viện rất muộn khiến cho việc chẩn đoán viêm cơ tim và điều trị kịp thời cũng không phải là dễ dàng. Đã có nghiên cứu đưa ra tỷ lệ bệnh nhân tử vong hoặc đòi hỏi phải ghép tim khi mắc viêm cơ tim lên tới 89% nếu là viêm cơ tim tế bào khổng lồ[1]. Mặc dù vậy, với nhiều tiến bộ trong việc điều trị cũng như việc chú ý hơn tới Viêm cơ tim, đã có nghiên cứu mới hơn cho thấy kết quả hết sức khả quan, tỷ lệ sống chung của bệnh nhân mắc viêm cơ tim lên tới 92% [2] 3. Có nhiều người mắc viêm cơ tim hay không? Tỷ lệ mắc Viêm cơ tim khoảng 22/100000, [3] một tỷ lệ không cao tới mức chúng ta hoảng hốt như vậy. Nó thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mắc các bệnh nguy hiểm khác. Quan trọng, viêm cơ tim không gây thành dịch. Nói chung đen thì bị thôi, đỏ quên đi. 4. Nguyên nhân gây viêm cơ tim là gì? Về nguyên nhân gây Viêm cơ tim thì rất rất nhiều, các bạn của mình có thể tham khảo ở phần ảnh mình up lên nhé. Mình chỉ dịch những nguyên nhân thường gặp (bôi vàng) bao gồm: virus (adenovirus là loại hay gây cảm lạnh, virus viêm gan B, C, virus sốt xuất huyết, virus HIV, virus cúm A, B, quai bị, rubella,…) vi khuẩn (Heamophilius, Streptococal là những vi khuẩn gây bệnh hô hấp thường gặp, vi khuẩn lao, uốn ván …), một số thuốc (kháng sinh, lợi tiểu …) một số chất độc như (ma túy, nọc rắn, nọc côn trùng, carbon monoxide hay thâm chí là rượu…). Đấy, nguyên nhân viêm cơ tim nhiều và gần gũi lắm nhé các bạn của mình.   5. Cách phòng tránh ra sao? Nhìn vào nguyên nhân là các bạn mình biết cách phòng tránh rồi. Vắc xin sẽ giải quyết một phần lớn nguyên nhân. Tiêm viêm gan đi, tiêm cúm đi, tiêm phế cầu, tiêm quai bị, rubella đi. Đừng “quan hệ quốc tế”, đừng để mắc HIV. Việc tránh đi đường Chùa Bộc rồi chuyển sang đi đường Trần Duy Hưng nhiều có thể làm tỷ lệ mắc cao hơn đấy. Rèn luyện sức khỏe, đừng để mắc lao, đừng uống nhiều rượu. Đừng dùng thuốc lung tung, bao gồm cả kháng sinh. Có bệnh thì đi khám, đừng chủ quan, đừng tự google rồi tự uống thuốc, đừng để quá muộn. 6. Nên nghĩ tới viêm cơ tim khi nào? Nói chung không dễ để nhận ra triệu chứng của viêm cơ tim. Việc chẩn đoán đòi hỏi thăm khám kỹ lưỡng, theo dõi và làm xét nghiệm đầy đủ. Mặc dù vậy, Mayo Clinic có đưa ra một số dấu hiệu có thể gợi ý viêm cơ tim bao gồm: Mệt mỏi Đau ngực Nhịp tim nhanh hoặc bất thường (rối loạn nhịp tim) Khó thở, lúc nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động Phù, dễ thấy ở mắt cá chân và bàn chân Kèm theo các dấu hiệu và triệu chứng khác của nhiễm virus như sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, đau họng, tiêu chảy… Khi mọi người có các dấu hiệu này thì nên đi khám sớm nhất có thể. 7. Rút ra được điều gì từ những trường hợp viêm cơ tim này? Các bạn mình đừng quá hoang mang, hãy dành thời gian đọc, tìm hiểu về những vấn đề nổi cộm thế này. Thông tin về bệnh hiện giờ rất sẵn, tiếng Việt, tiếng Anh đều có đủ. Nhiều trang web có cả phần thông tin dành cho toàn dân, rất dễ hiểu. Các bạn mình đừng like, share vô tội vạ. Những thông tin không chính thống, không có nguồn tin cậy thì like ít thôi. Chơi thân với mấy ông bạn làm bác sĩ, điều dưỡng, có vụ gì liên quan tới sức khỏe thì cứ alo gọi, hỏi nhiệt tình, không gọi được thì nhắn tin, chịu khó follow facebook của mấy ông ấy mà đọc, mà tìm hiểu. Ai mà không có bạn là bác sĩ thì có thể follow mình, mình sẵn sàng tư vấn, trả lời các bạn nếu điều kiện cho phép. Hà Nội, 27/10/2019 Bs Đào Trường Giang Nguồn: 1. https://www.nejm.org/doi/10.1056/NEJM199706263362603… 2. https://link.springer.com/artic…/10.1007%2Fs00246-009-9589-9 3. https://www.uptodate.com/…/etiology-and-pathogenesis-of-myo… Tham khảo thêm tại: https://www.mayoclinic.org/…/m…/symptoms-causes/syc-20352539 https://emedicine.medscape.com/article/156330-overview… #ViemCoTim #DauNguc #Sharelungtung * Bài viết được Mamibuy chia sẻ trên sự cho phép của tác giả. Bài viết cùng tác giả:   【Hỏi đáp Nhi khoa】- Ho, đau họng có được ăn kem hay đồ lạnh? Tại sao Tantrum của trẻ đi quá đà? Giáo sư Mỹ hướng dẫn bố mẹ cách xử lý để sự quá đà này chấm dứt và trẻ trở nên ngoan hơn! -------------------------------------------------------------------- Đôi điều về tác giả Bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang là một bác sĩ trẻ tuổi với cách nói chuyện vui vẻ hóm hỉnh cùng chuyên môn y khoa của mình, bác sĩ Giang đã đang trở thành một chỗ dựa tinh thần và chỗ dựa sức khỏe cho nhiều bố mẹ có con nhỏ ở Hà Nội, đồng thời đang không ngừng lan tỏa đầy năng lượng tích cực tới nhiều gia đình. Nguyên tắc làm việc của bác sĩ: 1. Việc chẩn đoán bệnh nên dựa nhiều vào hỏi bệnh, khám lâm sàng. Nên dành thời gian hỏi kỹ, giải thích và tư vấn kỹ để người bệnh tin tưởng. Có tin tưởng thì người bệnh mới lạc quan uống thuốc và khỏi bệnh. 2. Thuốc nói chung chẳng phải bổ béo gì mà kể cả có bổ béo thì vẫn có thể có tác dụng ngoài ý muốn. Đối với trẻ em nên hạn chế tối đa có thể vì còn để bụng ăn đồ ăn mà kê nhiều thuốc bố mẹ cho uống cũng rất khó khăn. 3. Kháng sinh nên cân nhắc kỹ trước khi kê, đáng dùng thì dùng, không cần dùng thì đừng dùng. Dù cho kê 1 đơn không kháng sinh sẽ căng đầu và mất thời gian giải thích nhiều hơn so với không kê. Hơn nữa sắp đến thời không có kháng sinh để dùng nữa rồi nên nếu chúng ta không chung tay đẩy lùi lạm dụng kháng sinh thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ lãnh hậu quả rất nặng nề. Câu nói "hết thuốc chữa" khi đó không còn là câu nói đùa. 4. Mình rất thích những bố mẹ thông thái, có thời gian quan tâm đến con, sẵn sàng lắng nghe mình giải thích, luôn tìm hiểu kỹ về thuốc và sẵn sàng trao đổi với mình. Điều này giúp mình theo dõi các bé tốt hơn, học hỏi được nhiều điều hơn và mắc ít sai lầm hơn. Mời các bạn theo dõi bác sĩ Giang qua liên kết sau: Facebook cá nhân