Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

4 hiểu lầm về kiến ba khoang khiến tình trạng bị nhiễm độc càng nặng. Bác sĩ hướng dẫn 6 cách xử lý khi nhà xuất hiện kiến ba khoang!

Mọi người thường nói bị kiến ba khoang đốt, cắn nhưng thực ra loài này không đốt cũng không cắn

Chào bố mẹ và chào con yêu! Đến thời điểm này các thông tin trên mạng về kiến ba khoang có lẽ cũng rất nhiều rồi, đặc biệt những thông tin về việc phòng tránh hoặc xử lý khi bị nhiễm độc từ kiến ba khoang. Tuy nhiên, đại đa số chúng ta đang "hiểu lầm kiến ba khoang" về một số điều. MamiBuy xin phép được chia sẻ bài viết của bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang để các bố mẹ cùng nắm được nhé! Nguyên văn bài chia sẻ như sau: KIẾN BA KHOANG Những ngày gần đây, kiến ba khoang bắt đầu xuất hiện nhiều, gây ra tình trạng viêm da. Nhiều người vô tình nằm đè lên và nghiền nát kiến ba khoang khi ngủ, sáng hôm sau ngủ dậy mới phát hiện. Có người khi thấy trên người có vùng da bị tổn thương, xem lại chăn màn, giường chiếu thì phát hiện có xác kiến ba khoang đã chết. Mặc dù không còn lạ gì với loại côn trùng này nhưng có đôi điều mà một số người chưa hiểu hết dẫn đến việc xử lý chưa đúng. Mình tổng hợp lại bài này mong mọi người hiểu kỹ hơn và xử lý đúng đắn hơn khi gặp kiến ba khoang.   NHỮNG HIỂU LẦM: -  Gọi là Kiến ba khoang vì nhìn giống kiến nhưng thực ra không phải là kiến mà là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là Rove beetles) -  Mọi người thường nói bị kiến ba khoang đốt, cắn nhưng thực ra loài này không đốt cũng không cắn. -  Kiến ba khoang gây viêm da bởi trong cơ thể có chứa chất pederin là 1 độc tố rất mạnh (ước tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ). Khi kiến ba khoang bị nghiền nát, chất độc này dính vào da và làm da chúng ta bị tổn thương. -  Kiến ba khoang tưởng rằng chỉ sống ở vùng đồng ruộng nhưng vào những ngày mưa, kiến sẽ bò lên vùng khô ráo, kể cả chung cư cao tầng. VIÊM DA DO KIẾN BA KHOANG -  Viêm da do kiến ba khoang hay xuất hiện ở các vùng da hở như cổ, mặt, lưng, tay, chân… Nếu độc tố dính vào ngón tay sau đó gãi thì viêm da có thể xuất hiện ở bất cứ vùng nào, kể cả mắt. -  Mức độ viêm da có thể từ nhẹ đến nặng phụ thuộc lượng chất độc bám vào da. -  Tổn thương da ban đầu thường ngứa rát, đau, đỏ da, sau đó đỏ thành vệt rõ, trên vùng da đỏ có thể xuất hiện những phỏng nước thậm chí có mủ trắng. Nếu vệ sinh không tốt, viêm da lan rộng, nhiều mủ, đau, ngứa nhiều. -  Ngoài tổn thương da, có thể sốt, sưng đau hạch ở các vùng nách, bẹn, cổ … tương ứng vùng da tổn thương.     XỬ LÝ KHI PHÁT HIỆN VIÊM DA DO KIẾN BA KHOANG -  Ngay sau khi phát hiện viêm da, nghi ngờ do kiến ba khoang nên rửa sạch bằng nước (có thể dùng nước muối sinh lý), rửa lại bằng xà phòng. Cần nhẹ nhàng để tổn thương không bị vỡ ra. -  Có thể dùng hồ nước bôi để làm dịu tổn thương. -  Nếu đau, ngứa nhiều, tổn thương rộng hoặc ở những vùng nhạy cảm như mặt, mắt… thì nên đi khám ngay để có hướng điều trị phù hợp. -  Tìm kỹ trong chăn, màn, ga giường… xem có xác kiến ba khoang hay không sau đó thay và giặt sạch các đồ dùng trên. Nên lau nhà, tìm xem còn kiến ba khoang hay không. -  Nếu gặp kiến ba khoang thì nên dùng găng tay, giấy để bắt, giết và gói gọn lại trong tờ giấy sau đó bỏ vào thùng rác. -  Báo cho mọi người trong nhà và hàng xóm để cùng biết để phòng tránh. Hà Nội, 08/10/2019 Bs Đào Trường Giang #KienBaKhoang #Viemda #Kien Ảnh (internet): hình ảnh kiến ba khoang và các tổn thương da. * Bài viết được chia sẻ trên sự cho phép của tác giả. Bài viết cùng tác giả: Đau khớp trẻ em - Thường gặp ở trẻ từ 10 đến 12 tuổi. Hướng dẫn đánh giá và xử lý! -------------------------------------------------------------------- Đôi điều về tác giả Bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang là một bác sĩ trẻ tuổi với cách nói chuyện vui vẻ hóm hỉnh cùng chuyên môn y khoa của mình, bác sĩ Giang đã đang trở thành một chỗ dựa tinh thần và chỗ dựa sức khỏe cho nhiều bố mẹ có con nhỏ ở Hà Nội, đồng thời đang không ngừng lan tỏa đầy năng lượng tích cực tới nhiều gia đình. Nguyên tắc làm việc của bác sĩ: 1. Việc chẩn đoán bệnh nên dựa nhiều vào hỏi bệnh, khám lâm sàng. Nên dành thời gian hỏi kỹ, giải thích và tư vấn kỹ để người bệnh tin tưởng. Có tin tưởng thì người bệnh mới lạc quan uống thuốc và khỏi bệnh. 2. Thuốc nói chung chẳng phải bổ béo gì mà kể cả có bổ béo thì vẫn có thể có tác dụng ngoài ý muốn. Đối với trẻ em nên hạn chế tối đa có thể vì còn để bụng ăn đồ ăn mà kê nhiều thuốc bố mẹ cho uống cũng rất khó khăn. 3. Kháng sinh nên cân nhắc kỹ trước khi kê, đáng dùng thì dùng, không cần dùng thì đừng dùng. Dù cho kê 1 đơn không kháng sinh sẽ căng đầu và mất thời gian giải thích nhiều hơn so với không kê. Hơn nữa sắp đến thời không có kháng sinh để dùng nữa rồi nên nếu chúng ta không chung tay đẩy lùi lạm dụng kháng sinh thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ lãnh hậu quả rất nặng nề. Câu nói "hết thuốc chữa" khi đó không còn là câu nói đùa. 4. Mình rất thích những bố mẹ thông thái, có thời gian quan tâm đến con, sẵn sàng lắng nghe mình giải thích, luôn tìm hiểu kỹ về thuốc và sẵn sàng trao đổi với mình. Điều này giúp mình theo dõi các bé tốt hơn, học hỏi được nhiều điều hơn và mắc ít sai lầm hơn. Mời các bạn theo dõi bác sĩ Giang qua liên kết sau: Facebook cá nhân