Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

Chăm con đúng cách và phương pháp giúp tiết kiệm 13 triệu đồng tiền bỉm mỗi năm cho bố mẹ bỉm sữa

Xi tè là cách làm rất phổ biến từ thế hệ các ông các bà, Bố mẹ tự hào khoe 2-3 tháng là con đã có thể đi tè khi có “hiệu lệnh” xi, vừa tiết kiệm bỉm, vừa vệ sinh sạch sẽ, tránh hăm. Tuy nhiên trong trào lưu nuôi con hiện đại, luôn đề cao việc lấy trẻ làm trung tâm,thì việc xi tè này nghe có vẻ như m

XI TÈ SỚM KHÔNG CÓ HẠI Xi tè là cách làm rất phổ biến từ thế hệ các ông các bà, Bố mẹ tự hào khoe 2-3 tháng là con đã có thể đi tè khi có “hiệu lệnh” xi, vừa tiết kiệm bỉm, vừa vệ sinh sạch sẽ, tránh hăm. Tuy nhiên trong trào lưu nuôi con hiện đại, luôn đề cao việc lấy trẻ làm trung tâm,thì việc xi tè này nghe có vẻ như một việc “bắt ép” trẻ. Vì thế nên có 1 dạo rất nhiều mẹ share các bài báo cho rằng việc xi tè sớm khiến trẻ có nguy cơ cao gặp các vấn đề về thận, bàng quang sau này, phản đối cách xi tè truyền thống của ông bà (1). Tuy nhiên trong vấn đề này thì “Các cụ bảo không sai đâu!"   1. LỜI ĐỒN Ở ĐÂU RA? Tất cả các bài viết về tác hại của việc luyện bô sớm (potty train) đều lấy nguồn từ bài báo “Sự nguy hiểm của việc luyện bô quá sớm” (The Dangers of Potty Training too early) của chuyên gia tiết niệu nhi khoa Steve Hodges, M.D. đăng trên trang babble.com năm 2012 (2) Theo đó ông cho rằng, mỗi lần bạn dùng cơ vòng để chặn nước tiểu lại sẽ tạo một lực lên bàng quang, điều này làm cơ bàng quang dày lên và khỏe hơn. Giống như việc chúng ta tập gym làm cho cơ to lên vậy, nhưng khi điều này xảy ra ở bàng quang, bàng quang sẽ giảm sức chứa và cơ chế cảm giác của nó sẽ kém đi. Đồng thời việc nhịn ị cũng khiến chất thải ứ lại trong trực tràng, nằm ngay phía sau bàng quang, tiếp tục đè lên bàng quang khiến nó không chứa được lượng nước như bình thường. Hơn nữa, các dây thần kinh kiểm soát chạy giữa bàng quang và ruột, có thể bị kích thích khi ruột giãn nở, gây ra các cơn co thắt bàng quang không mong muốn khiến trẻ bị tè dầm. Trẻ nhịn tiểu, đại tiện có nguy cơ cao nhiễm trùng tiết niệu do các vi khuẩn từ trực tràng xâm nhập tới âm đạo và niệu đạo chỉ cách đó 3 4 cm. Ông cho rằng bàng quang của trẻ cần 3-4 năm để phát triển và việc đi tè tự do khi đóng bỉm giúp bàng quang phát triển sức chứa tối đa. 2.TẤT CẢ CHỈ LÀ PHỎNG ĐOÁN Lập luận của bài báo có vẻ rất rất có lý và đánh đúng tâm lý sốt sắng của các ông bố bà mẹ, cộng với kinh nghiệm khám chữa cho 100 trẻ mỗi tuần khiến bài báo của Steve Hodges trở nên rất thu hút. Tuy nhiên mình khẳng định là bài báo này KHÔNG ĐƯA RA MỘT BẰNG CHỨNG KHOA HỌC NÀO. Tất cả đều là suy đoán lập luận của tác giả, KHÔNG CÓ SỐ LIỆU, KHÔNG CÓ NGHIÊN CỨU ĐI KÈM. Bài viết đươc đăng lên 1 trang báo thương mại chứ không phải tạp chí chuyên ngành, không qua kiểm duyệt bởi hội đồng chuyên gia (peer review) hay biên tập chuyên môn. Steve Hodge còn cho rằng trẻ đi tiểu tùy tiện vào bỉm lúc chúng muốn cho đến 3 tuổi sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bàng quang. Điều này là vô lý, vì trẻ đến độ tuổi 12-24 tháng sẽ tự có khả năng giữ nước tiểu, và có thể giữ khô ráo suốt 2 tiếng đồng hồ. Kể cả khi trẻ không hề được luyện (ví dụ như My nhà mình) thì việc không tè mọi lúc mọi nơi này hoàn toàn sẽ tự phát, thể hiện sự phát triển tự nhiên trong việc kiểm soát bàng quang ở trẻ nhỏ. Việc cần phải tiểu tiện cả ngày lẫn đêm chỉ phù hợp ở giai đoạn trẻ sơ sinh do bàng quang rất nhỏ, não bé chưa phát triển đầy đủ và sự phản xạ kém.   3. XI TÈ LÀ TẠO PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN Nhìn lại lập luận của ông bác sỹ này thì nguyên nhân trực tiếp gây ra các tác hại cho thận và bàng quang là khi trẻ NHỊN TIỂU & ĐẠI TIỆN QUÁ THƯỜNG XUYÊN (điều này đúng với cả ở người lớn). Nhưng việc chúng ta tập xi hay tập ngồi bô đúng cách cho trẻ hoàn toàn không dạy cho trẻ nhịn! Việc xi tè cho trẻ đơn giản là việc tạo phản xạ có điều kiện khi nghe tiếng xi tè mà thôi. Trẻ khi được xi chúng sẽ tè, nhưng có phải khi không xi chúng sẽ bắt buộc phải nhịn và nhịn mãi cho tới khi được xi hay không? Đây không phải cơ chế của xi tè. Hẳn bố mẹ vẫn nhớ thí nghiệm kinh điển chú chó của Pavlo, chỉ cần nghe tiếng chuông báo sắp đến giờ ăn, là dịch vị của chú chó đã tiết ra bởi theo thói quen chú chó biết được là sắp đến giờ ăn! Tương tự như vậy lần nào trẻ đi tè cũng nghe tiếng xi xi, trong não bộ sẽ có sự liên kết giữa tiếng xi và việc thả lỏng cơ vòng, xả nước tiểu ra ngoài. Vì vậy trẻ sẽ tè khi có hiệu lệnh. Và khi trẻ được xi tè thường xuyên, trong bàng quang sẽ không trữ đủ nước để trẻ tè dầm vô tổ chức nữa. Mặt khác thì chính vì đây là phản xạ có điều kiện nên không phải ở độ tuổi nào cũng thực hiện được thành công. Bố mẹ có thể liên tục xi tè từ khi trẻ 1, 2 tháng tuổi nhưng sẽ không tạo được thói quen đâu vì não bộ của trẻ chưa đủ phát triển để có thể tạo mối liên kết giữa “xi” và “tè”, bước tiền đề cho phản xạ có điều kiện. 4. CÁC NGHIÊN CỨU KHÁC Ngoài ra có một vài nghiên cứu đã phản bác lại kết luận của Steve Hodge. Nghiên cứu năm 2003 trên hơn 400 trẻ cho thấy trẻ luyện bô sớm không tăng nguy cơ bị táo bón hay nhịn đại tiện(3). Tương tự 1 nghiên cứu năm 2011 trên 240 trẻ cũng không tìm thấy tương quan giữa việc luyện xi tè sớm và rối loạn bàng quang (4). Thậm chí nghiên cứu năm 2009 trên 8000 trẻ còn cho thấy việc luyện xi sau 2 tuổi còn tăng khả năng trẻ bị tè dầm kéo dài, giảm khả năng kiểm soát bàng quang. (5) 5. BỎ BỈM SỚM – ÍCH NƯỚC LỢI NHÀ “Nét đẹp văn hóa”này của Việt Nam thực ra khá nổi tiếng đấy nhé! Trong tiếng Anh phương pháp này được gọi là “Elimination Communication” và có kha khá sách hướng dẫn cũng như các group, các trang web ủng hộ. (6) Một nghiên cứu năm 2013 của đại học University of Gothenburg đã khiến nhiều bố mẹ Tây bất ngờ khi quan sát 50 trẻ em Việt Nam và cho thấy trẻ có thể hoàn toàn không mặc bỉm từ khi 9 tháng và đến 2 tuổi là hoàn toàn chủ động trong việc đi vệ sinh (7). Mấu chốt thành công của phương pháp này là bố mẹ đặc biệt để ý quan sát trẻ, sớm nhận diện các dấu hiệu trẻ muốn tiểu/đại tiện để xi, đồng thời nắm bắt lịch sinh học của con chuẩn xác. Có lẽ vì yêu cầu quan sát liên tục này nên nhiều bố mẹ Tây không bắt kịp vì họ thường “thả rông” con tự chơi nhiều hơn trong khi trẻ VN thường được bồng bế, gắn bó với bố mẹ hơn.   Bên cạnh đó xét về phương diện kinh tế, với mức giá trung bình 20 cent = 5,000 vnđ 1 chiếc bỉm thì so với thu nhập ở VN là quá cao. Trung bình năm đầu đời trẻ dùng bỉm liên tục sẽ tốn khoảng 2700 cái ~ $550 ~ 13tr/năm tiền bỉm. Ngoài ra khí hậu Việt Nam nóng ẩm cũng là một lý do tại sao việc bỏ bỉm sớm là hợp lý. Điều này thể hiện không chỉ ở VN mà còn ở nhiều nước thế giới, các nước càng gần xích đạo trẻ được luyên bô càng sớm (8) Cuối cùng, khi mà 1 năm riêng ở Mỹ có khoảng 20 tỷ chiếc bỉm thải ra ~ khoảng 3.5 tấn bỉm bẩn đổ ra bãi rác thì thực sự mỗi bố mẹ cố gắng giảm lượng bỉm cho con mỗi ngày là đã đóng góp được 1 phần vào việc cải thiện môi trường rùi đó! (1) Xi tè cho con quá sớm: Lợi cho mẹ 1, hại con gấp 10  (2) The Dangers of Potty Training too early  (3). Relationship between age at initiation of toilet training and duration of training: a prospective study.  (4) Early initiation of toilet training for urine was associated with early urinary continence and does not appear to be associated with bladder dysfunction.  (5) A prospective study of age at initiation of toilet training and subsequent daytime bladder control in school-age children.  (6) Elimination Communication: Diaper-Free in America  (7) Whistle away the need for diapers: Vietnamese babies often out of diapers at nine months  (8) https://www.cnn.com/2017/10/31/health/potty-training-parenting-without-borders-explainer/index.html