Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

【Ở cữ Tây và Ta 】Tất tần tật các thông tin khách quan về việc ở cữ mà mẹ bầu nên biết

Trong Y học phương Đông, việc sinh con được coi như một bệnh (condition) cần được chữa trị, do cơ thể mất nhiều máu và phải trải qua sự thay đổi quá lớn. Vì cơ thể bị bệnh nếu không chữa trị sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe lâu dài. Cơ thể bị mất máu -> mất “khí”, nguồn sinh lực cho cơ thể -> cơ t

Công nương Anh quốc mới hạ sinh hoàng tử, 7 giờ sau mặt xinh như hoa, thần thái hết mực tươi cười bước ra, tay bồng con, vẫy chào cả thế giới. Sao công nương không ở cữ? Sao mặc váy ngắn thế? Sao không bịt bông tai? sao không đi tất? Sao không tránh gió? Đẻ xong không giữ gìn sau này biết tay nhau. Khái niệm ở cữ chắc không còn gì xa lạ với các mẹ Việt Nam, nhưng chắc không phải ai cũng biết ở cữ từ đâu ra và tại sao ai cũng ở cữ. Hầu như là vì mẹ đẻ/ mẹ chồng/ cô dì/ bác hàng xóm bảo mặc đồ dài tay thì mặc, bắt ăn móng giò, thịt rang nghệ thì ăn, chứ mới đẻ xong mệt chết đi được làm gì có thời gian để mà nghiên cứu. Có kiêng có lành nên mình cứ làm thôi, thấy bảo tốt cho con! Không thì sau này có làm sao thể nào cũng bị nói là ai bảo ngày xưa mày không ở cữ cho cẩn thận! Cá nhân mình chưa từng một ngày ở cữ, chưa từng ăn một miếng cháo móng giò. Nhưng mình rất hứng thú với chủ đề này, vì có vẻ rất rất nhiều các mẹ hiện đại bây giờ vẫn chuyên cần áp dụng phương pháp ở cữ, cho dù ăn đồ bà đẻ có chán đến đâu, ở nhà nguyên 30 ngày có cuồng chân đến mức nào. 1. Ở cữ bắt nguồn từ đâu? Mình khá bất ngờ khi biết ko chỉ ở vn, Ở cữ xuất hiện ở nhiều văn hóa như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ La Tinh với những điều kiêng cữ khác nhau. Mình thấy ở cữ kiểu Việt Nam có vẻ như chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ văn hóa Trung Quốc. Trong Tiếng Tàu ở cữ gọi là 坐月子 "Zuò yuè zi" dịch ra là Ngồi 1 tháng Được người xưa áp dụng từ tận năm 960, hẳn hơn 1000 năm trước! Khuyên bà mẹ sau sinh nên ở trong nhà để hồi phục và nuôi con sơ sinh   Trong Y học phương Đông, việc sinh con được coi như một bệnh (condition) cần được chữa trị, do cơ thể mất nhiều máu và phải trải qua sự thay đổi quá lớn. Vì cơ thể bị bệnh nếu không chữa trị sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe lâu dài. Cơ thể bị mất máu -> mất “khí”, nguồn sinh lực cho cơ thể -> cơ thể bị lạnh (Âm), âm dương mất cân bằng nên gây ra nhiều rối loạn về thể chất. 2. Ở cữ như thế nào? - Tránh tiếp xúc với tất cả những thứ lạnh. Cơ thể sau khi sinh được “mở ra” và có rất nhiều “kẽ hở”. Khí lạnh vào cơ thể từ đầu, từ xương cốt, khớp, dưới da, chân… tất cả mọi chỗ đều có thể gây ra bệnh như Viêm khớp, hen suyễn, bệnh thấp khớp, đau nhức kinh niên, rụng tóc, răng ... Vì thế nên không được tắm, không gội đầu, không rửa ráy gì hết, không uống nước lạnh, không đánh răng, không ăn các loại rau trồng dưới nước , không ở phòng máy lạnh, không để gió lùa vào người, không sấy tóc, không đi ra ngoài. - Không quan trọng là thèm ăn gì, mà phải ăn những thứ tốt cho cơ thể. Trong tháng này cần phải ăn những thứ làm sạch cơ thể, đẩy hết máu, dịch, giúp lành vết thương và bù đắp lại máu cũng như khí bị mất. Vì thế nên ko được ăn muối vì muối trữ nước trong lục phủ ngũ tạng, Với lại sữa mặn không có ngon. Nên ăn thịt gà. - Tránh làm cơ thể mệt mỏi. Vì sinh con đã quá vất vả rồi nên phải cho cơ thể nghỉ ngơi vì đây là lúc cơ thể yếu nhất. Tất cả mọi hoạt động đều khiến cơ thể suy nhược Vì thế nên hạn chế đi lại, để cho chân nghỉ. Ko nên ngồi nhiều, để cho mông nghỉ. Ko nên đọc sách, xem tv, xem đt, để cho mắt nghỉ. Ko đc khóc. Tuyệt đối ko dùng máy tính, để cho tay mắt đc nghỉ. Ko đc quan hệ tình dục! 3. Vậy nghiên cứu khoa học nói gì? Nghiên cứu về ở cữ không phải là quá nhiều, vì đa số các nước không còn áp dụng phổ biến nữa, hơn nữa các nước tân tiến nhất về nghiên cứu khoa học lại không có truyền thồng ở cữ nên không có nhiều nhà nghiên cứu hứng thú với chủ đề này. Tuy vậy cũng có một số nghiên cứu trên phụ nữ Trung Quốc đã đưa ra kết quả có ý nghĩa thống kê (Significant, tức là sau khi tính toán cho thấy sự khác biệt không phải do ngẫu nhiên mà thể hiện sự tương quan correlation).   Nghiên cứu năm 2014 so sánh 198 phụ nữ sau sinh khỏe mạnh. Thông tin được thu thập sau sinh 3 ngày và sau 6 tuần. Nghiên cứu này kiểm tra sức khỏe về sức bền (đi bộ 6 phút) và cũng như sức khỏe tâm thần sau sinh. Kết quả cho thấy những phụ nữ nào càng theo sát các lệ ở cữ, thì sức bền càng kém, và có dấu hiệu trầm cảm sau sinh càng cao ở 6 tuần. Một nghiên cứu khác năm 2012 trên 190 phụ nữ nhập cư từ Trung Quốc và Việt Nam cho thấy. Các bà mẹ TQ theo sát các lệ ở cữ hơn các mẹ VN, nhưng không có sự khác biệt rõ rệt về tâm sinh lý sau sinh. Kết quả cũng cho thấy sự tương quan giữa ở cữ và trầm cảm sau sinh. Trong một nghiên cứu về áp dụng các bài tập nhẹ nhàng sau sinh tại Đài Loan, 60 phụ nữ được chia làm 2 nhóm, 1 nhóm theo sát các lệ ở cữ như bình thường, 1 nửa còn lại có tập nhẹ, kết hợp yoga Pilates khoảng 3 ngày một tuần, mỗi ngày 1 tiếng. Kết quả cho thấy cả 2 nhóm đều thể hiện sự tiến triển về thể lực, sức khỏe, giảm sự mệt mỏi về thể chất. Tuy nhiên những phụ nữ tham gia tập luyện có sự tiến triển rõ rệt hơn về tinh thần so với nhóm không thực hiện các bài tập. Có thể nhận ra các nghiên cứu cho thấy sự ảnh hưởng lớn nhất của việc “ở cữ” lên người phụ nữ là về tâm lý. Trong xã hội hiện đại, việc tiếp xúc xã hội bên ngoài là một phần tất yếu của cuộc sống, nên việc 30 ngày phải ở trong nhà dễ dẫn đến ức chế tinh thần. Ở cữ kết hợp với mệt mỏi thể chất cũng như phải chăm sóc con, thiếu ngủ dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh hơn so với những phụ nữ được giải tỏa tinh thần bằng việc đi ra ngoài hít thở không khí. Nên các mẹ đừng để những lời nói như là “Ai cũng đẻ mà có làm sao đâu, mày cứ lắm chuyện” hay là “sướng thế chả phải làm gì mà còn kêu ca gì nữa” làm mình thấy mình kém cỏi. Vì ngoài kia có rất nhiều những bà mẹ giống mình, cảm thấy ức chế buồn rầu khổ sở vì phải ở cữ. Ngoài ra chưa hề có nghiên cứu nào theo dõi kết quả lâu dài của việc ở cữ nên mình cũng chưa tìm đc câu trả lời chính xác rằng liệu không ở cữ thì sau này có tăng khả nặng bị rụng răng, thấp khớp, đau lưng, đau đầu như bị dọa hay không? Nhưng các nghiên cứu về kết quả ngắn hạn đều cho thấy sự phục hồi thể chất của các bà mẹ ở cữ và không ở cữ là như nhau. Cơ thể đều có khả năng hồi phục tốt. 4. Chăm sóc bà mẹ sau sinh ở Tây. Sau khi mình sinh xong, y tá cho ngay một bát đá viên bé bé như hạt lựu để ăn cho đỡ khát. Vì mình sinh mổ nên tạm thời chưa thể uống nước, nhưng được ăn mấy cục đá thấy mát họng sảng khoái tỉnh táo hẳn ra. Người lúc đó rất háo nước, nhưng chả lẽ nhịn khát mãi, mà y tá cho nên mình cũng ăn thoải mái thôi. Mẹ mình có vẻ rất shocked.     Các mẹ nào sinh vào mùa nóng mà vẫn phải uống nước ấm có thể sẽ giảm lượng nước tiêu thụ, vì uống nước ấm vào trời nóng thực sự rất khó uống. Thế nên cơ thể dễ thiếu nước, ảnh hưởng đến lượng sản xuất sữa. Tương tự, mùa hè nóng như vậy mà mặc kín quá, áo dài quần dài, đi tất, không bật điều hòa thì nước trong người thoát ra hết thành mồ hôi, lấy đâu ra nước trong cơ thể để tạo sữa nữa? Ở VN hay kiêng ăn đồ tanh vì sợ đau bụng tiêu chảy. Tuy nhiên cá lại chứa rất nhiều acid béo omega 3 rất tốt cho cơ thể, tốt cho tim mạch, thậm chí còn giúp giảm trầm cảm. Phụ nữ sau sinh được khuyên ăn cá hoặc uống dầu cá để bổ sung omega 3 cho cơ thể. Tất nhiên là phải kết hợp với chế độ ăn cân bằng nữa. Sau sinh mình đi ra ngoài lượn như chim, vì sinh vào đầu hè, thời tiết rất rất đẹp, 1 tuần đã xách con đi nhà hàng rồi. Mà chuyện cho con nhỏ ra ngoài mình thấy rất phổ biến. Nhưng nhìn chung tránh đi những nơi khói bụi, ô nhiễm, đông người, dễ đẩy cao nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn vi rút. Sức đề kháng của cả mẹ cả con thời gian này còn kém nên không nên liều quá. Đi những nơi thoáng đãng, không khí trong lành để thư thái đầu óc là hoàn toàn nên. Ngoài ra các bài tập nhẹ nhàng cũng giúp đỡ mỏi cơ, tăng năng lượng, ngủ tốt hơn, giảm stress. Nếu nói rằng Tây nó khác ta nên nó chịu được thì mình thấy không có cơ sở. Thứ nhất Nếu so sánh về gene hay thể trạng thì chưa có nghiên cứu nào đưa ra được là người da trắng có xương hay hệ miễn dịch tốt hơn người châu Á cả. Theo nghiên cứu, tuy người châu Á có mật độ xương (bone mineral density) thấp hơn nhưng chúng ta lại ít bị rạn xương hơn rất nhiều so với người da trắng. Chúng ta tuy xương nhỏ nhưng vỏ ngoài và lớp tường của xương lại dày hơn. Thứ 2 Nếu so sánh về điều kiện kinh tế và sinh hoạt thì điều kiện của VN bây giờ so với VN 30 40 năm trước chẳng phải còn khác biệt hơn rất nhiều hay sao, nên tục lệ ở cữ có còn phù hợp hay không? Điều duy nhất mình thấy có lý là sự khác nhau về môi trường. Không khí ở VN ở mức ô nhiễm báo động, cộng với nguồn thức ăn nước uống chưa được đảm bảo nên việc ở cữ cũng một mặt đem lại một số lợi ích. Tóm lại, dựa vào các lập luận đằng sau tục ở cữ có thể thấy không phải hoàn toàn là vô lý. Sinh con là một hành trình không hề dễ dàng, gây ra rất nhiều sự thay đổi trong cơ thể người phụ nữ. Thế nên việc nghỉ ngơi dưỡng sức là hoàn toàn cần thiết để cơ thể hồi phục lại xương cốt, sắp xếp lại nội tạng bên trong nhưng cũng cần dựa vào thực tế xã hội để áp dụng. Nhà cửa bây giờ kín gió, nước tắm ấm lúc nào cũng sẵn, thì việc tắm không thể nguy hiểm bằng việc ở bẩn dễ viêm nhiễm. Tâm lý con người bây giờ cần giao lưu xã hội nhiều nên việc không ra ngoài xét về mặc sức khoẻ tinh thần hại nhiều hơn lợi. Và theo mình, quan trọng hơn cả vẫn là quyết định của mỗi mẹ. Ai không chịu được thực đơn bà đẻ mà vẫn cứ phải ăn ngày này qua ngày khác chắc chắn sẽ thấy stress. Ngược lại ai hoàn toàn tin vào ở cữ để giữ sức khoẻ nếu không làm theo được sẽ thấy lo lắng bất an, từ giờ về sau có bất cứ vấn đề gì về sức khoẻ đều đổ tại không ở cữ được (mặc dù đôi khi không liên quan cho lắm). Thế nên túm lại là các mẹ thích làm gì thì làm và các mẹ khác để yên cho người ta làm thì tinh thần ai cũng vui tươi thoải mái nhé!   Tài liệu tiếng Anh mẹ My tham khảo:  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23132403 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22860702 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25331609 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20001598