Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

Tranh cãi cho con ngủ chung hay ngủ riêng - Lời giải cho hồi kết

Mẹ nào không có nhu cầu luyện ngủ hay không muốn cho con ngủ riêng vì cảm thấy như thế là không yêu thương gần gũi con, và ngủ riêng như vậy sẽ nhớ con không chịu được thì hoàn toàn không cần nghiên cứu luyện ngủ tiếp đâu ạ.

Dạo này mình hay tàu ngầm trong các group nuôi con, dạo qua thị trường dạo quanh phố phường xem các mẹ có các câu hỏi hay quan tâm lo lắng gì khi nuôi con. Có 1 câu hỏi mình thấy các mẹ hay tranh cãi, đó là có nên luyện ngủ cho con không. Khi mình đưa ra kinh nghiệm mình luyện ngủ cho My, cho con ngủ cũi từ bé, 6 tháng ra ngủ phòng riêng, thì bên cạnh đó lại có rất rất nhiều các mẹ khác chia sẻ muốn ngủ cùng con, ấp con ngủ, đêm dậy cho con ti cho tiện, thậm chí cho bố ra ngủ riêng để có chỗ cho 3 mẹ con ngủ.   Ảnh minh họa Trước hết mình nêu rõ quan điểm của mình, nếu việc ngủ chung với con, đêm cho con ti vài lần đến khi con 2-3 tuổi khiến mẹ cảm thấy thích, được gần gũi với con, ôm ấp hít hà mùi thơm của con, và không khiến mẹ mất ngủ hay mệt mỏi thì đó lựa chọn hoàn toàn phù hợp với gia đình. Mẹ nào không có nhu cầu luyện ngủ hay không muốn cho con ngủ riêng vì cảm thấy như thế là không yêu thương gần gũi con, và ngủ riêng như vậy sẽ nhớ con không chịu được thì hoàn toàn không cần nghiên cứu luyện ngủ tiếp đâu ạ. Văn hóa Việt Nam mình và châu Á nói chung (bao gồm cả nước phát triển như Nhật Bản) từ xa xưa đến nay quen với việc trẻ em ngủ chung với bố mẹ, còn văn hóa châu Âu và Mỹ từ khoảng cuối thế kỉ 19 đến giờ thì lại quen cho trẻ ngủ độc lập trong phòng riêng. Mình nêu ra đây không nhằm nâng cao bất kì phương cách nào cả, mỗi đất nước mỗi nền văn hóa, mỗi thói quen khác nhau, thế nên mình không thấy lạ khi rất nhiều mẹ Việt Nam muốn ngủ chung với con, vì chính bản thân các mẹ đã lớn lên trong vòng tay mẹ như vậy và cảm thấy vô cùng trân trọng những giây phút ấy. Bên cạnh đó nghiên cứu điều tra cho thấy khi bố mẹ LỰA CHỌN ngủ chung với con, chính bản thân tâm lý bố mẹ đã chấp nhận việc thức dậy thường xuyên hàng đêm như một điều tất yếu khi nuôi con. Vì vậy bố mẹ ít cảm thấy mệt mỏi, áp lực hơn. Tóm lại nếu bố mẹ chọn ngủ chung với con, mình hoàn toàn ủng hộ! Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều trường hợp bé dậy đêm nhiều, ngủ không sâu, mẹ thì khó ngủ lại sau khi cho bú, ngủ chập chờn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần thì việc luyện ngủ cho con theo mình là hoàn toàn cần thiết và khuyến khích. Luyện ngủ không phải là "đú theo Tây" mà là một giải pháp để cải thiện giấc ngủ không chỉ cho bé mà còn cho cả bố mẹ. Khi quyết định luyện ngủ hay không, các mẹ chả cần quan tâm xem mấy mẹ khác kêu mình “sướng mẹ khổ con” hay là “dã man”, “ phát xít” gì cả, quan trọng là hoàn cảnh gia đình, tính khí của mỗi bé, mỗi bố mẹ, quan trọng là mẹ nào thì cũng yêu thương con và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Luyện ngủ không những không khủng khiếp như truyền thuyết mà còn có rất nhiều lợi ích nữa!   Ảnh minh họa Mở bài dài dòng vì sợ ném đá hihi, giờ đi vào chủ đề luôn nha! 1. GIẤC NGỦ Ở TRẺ SƠ SINH Đầu tiên bố mẹ nên hiểu một chút về giấc ngủ. Ở người lớn, một chu kì ngủ thường kéo dài 90 phút, nhưng ở trẻ sơ sinh, chu kì ngủ của chúng lại chỉ ngắn gọn trong 30-50 phút và sẽ tăng dần khi bé lớn. Điều này giải thích vì sao rất nhiều bố mẹ rơi vào hoàn cảnh vừa đặt con được 1 lát là bé đã dậy. Bố mẹ bế ru con ngủ mất 20 phút, xong cố gắng bế thêm 15’ cho con ngủ say mới đặt được, khẽ khẽ nhẹ nhẹ như đặt bom và tất nhiên vừa đặt 15’ thì đã hết một chu kì ngủ và con lại oe oe khóc gọi  T_T thật là dành cả thanh xuân để ru con ngủ… Ở người lớn, khi kết thúc một chu kì ngủ, chúng ta có thể dễ dàng ngủ lại ngay, thậm chí còn không hề hay biết là mình thức dậy. Chúng ta chỉ nhận thức được khi có sự thay đổi như bị kéo mất chăn, rơi mất gối hoặc nếu có tiếng động lạ, chúng ta có thể hoàn toàn thức giấc. Nhưng ở trẻ nhỏ, khi hết chu kì, chúng thường tỉnh hẳn ngay lập tức, tìm bố mẹ, gọi hoặc khóc. Lý do là vì người lớn chúng ta đã học được cách “tự trấn an” - “self-soothe”, nên cứ hết một chu kì ngủ chúng ta có thể tự “chuyển giấc” một cách hết sức bản năng. Còn ở trẻ sơ sinh nhiều bé chưa học được kĩ năng này, hoặc bị tạo phản ứng có điều kiện cần người vỗ ru để “chuyển giấc”. Các bố mẹ ông bà thường có thói quen bế vỗ, đung đưa, nhún… làm mọi cách để dỗ dành khi bé khóc. Đây là một việc làm rất bản năng, khoa học đã chứng minh tiếng khóc trẻ em khiến cho não bộ phản ứng hết sức mạnh liệt ở vùng cảm xúc chỉ ngay sau 1/10 giây. Chính về thế chúng ta bị hối thúc phản ứng ngay tức thì để con ngừng khóc.     Ảnh minh họa Nhưng chính những hành động này lại khiến trẻ ngủ không sâu và dài. -  Lý do thứ nhất, tưởng tượng khi đi ngủ chúng ta nằm trong nhà, nhưng khi bạn tỉnh dậy lại thấy đang nằm ngoài đường, chắc chắn bạn sẽ thấy rất hoảng loạn. Tương tự như vậy, khi bé ngủ, rõ ràng đang được bế được ru, mở mắt lại thấy nằm một mình không có ai bên cạnh, tất nhiên bé sẽ hoảng loạn chứ, và bé hoảng loạn bé sẽ khóc. -  Lý do thứ 2, việc bố mẹ ngay lập tức vào giúp bé chuyển giấc sẽ tạo ra phản ứng có điều kiện ở trẻ, trẻ khóc - > bố mẹ dỗ -> củng cố liên kết giữa việc khóc và được quan tâm -> trẻ phản ứng với tất cả mọi thay đổi bằng việc khóc vì như vậy sẽ được trợ giúp ngay lập tức. Và thế là cứ mỗi 30’ bé lại thấy mình tự dưng nằm chỏng chơ và lại khóc, mẹ lại dỗ, bé lại ngủ, 30’ lại khóc, rất luẩn quẩn! 2. TỰ TRẤN AN VÀ LỢI ÍCH Việc luyện ngủ cho con bị mang tiếng xấu là bố mẹ mặc kệ trẻ, trẻ phải khóc rất nhiều, cảm thấy bị bỏ rơi. Nhưng thực sự đây là chính quá trình bố mẹ dậy cho con học cách tự trấn an, và đó là một kĩ năng sống rất cần thiết, không chỉ lúc nhỏ mà khi trẻ lớn dần hơn, biết tự trấn an khi cảm thấy bực tức, cáu giận… Ngay cả ở người lớn, có những người biết tiết chế cảm xúc của mình tốt hơn, bình tĩnh giải quyết nhưng có những người tức giận phừng phừng chửi nhau ném đồ… Tất cả đều gói gọn trong khả năng TỰ TRẤN AN. Đây là kĩ năng có thể học được từ khi trẻ 4 tháng tuổi, hoặc thậm chí từ bé hơn nếu không bị lệ thuộc vào việc được dỗ dành ngay lập tức. Quay lại vấn đề giấc ngủ, trẻ biết tự trấn an vẫn sẽ thức giấc khi chu kì ngủ kết thúc nhưng trẻ sẽ không ra khỏi trạng thái mơ màng để khóc mà vẫn lơ mơ tự đưa mình lại vào giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra lợi ích của việc luyện ngủ chỉ sau 1-2 tuần như sau: - Trẻ được luyện ngủ sẽ ít trằn trọc hơn, dậy đêm ít hơn và ngủ dài hơn. Hệ quả tương tự với giấc ngủ của bố mẹ (1) (2) Mình kiểm chứng luôn với My, Lúc 4 tháng chỉ dậy 1 2 lần để ti rồi quay lại ngủ luôn, và 6 tháng là ngủ một mạch từ 9h đến 6 giờ sáng. Mẹ khỏe re. - Sức khỏe của mẹ sau sinh cải thiện hơn, ít mẹ cảm thấy trầm cảm, bố mẹ cảm thấy ít stress, tự tin hơn, hài lòng hơn với chồng/vợ (3) (4) (5) Quá tuyệt vời luôn ạ, Con đi ngủ từ 8 9 giờ và mình ko phải canh cánh lo con dậy khóc, được tắm rửa sạch sẽ, được xem phim với chồng, có thời gian làm việc này việc kia, Tinh thần khá hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó lúc nào cũng như quả bom cáu giận liên tục. - Tâm lý trẻ cải thiện, tính khí dễ chịu hơn. Nghiên cứu chưa đưa ra lí do vì sao nhưng giả thuyết là vì bé ngủ đêm tốt hơn nên cảm thấy ít khó chịu vào ban ngày. Hoặc do mẹ ngủ tốt hơn nên tâm lý thoải mái hơn, không dễ cáu giận khi trẻ không hợp tác. Điều này mình cũng thấy rõ, thậm chí biểu hiện theo từng ngày. Đêm nào ngủ ngon chắc chắn ban ngày vui vẻ, tự chơi tốt, còn đêm nào My ngủ kém, ban ngày cứ bám mẹ lẽo đẽo, hơi tí là tức là khóc... - Không có nghiên cứu nào chỉ ra việc luyện ngủ có ảnh hưởng xấu đến biểu hiện hành động và quan hệ với bố/mẹ/người chăm trẻ. Mình ghi rõ từng nghiên cứu ở dưới nếu bố mẹ nào muốn kiểm chứng kĩ hơn.   Ảnh bé My nà! 3. PHƯƠNG PHÁP Nếu bố mẹ cảm thấy luyện ngủ là giải pháp phù hợp thì có rất nhiều các phương pháp khác nhau. Có những phương pháp dứt điểm ngay như Cry It Out, cũng có những phương pháp chậm rãi, bố mẹ giúp trẻ nhiều hơn như được nêu trong quyển “Sleep Lady Shuffle”, “The Baby Whisperer’s pick up/put down method” hay “No-Cry Sleep Solution”. Không có nghiên cứu nào chỉ ra phương pháp nào hiệu quả hơn, các mẹ có thể lựa chọn theo tính khí của bé và của mình cho thích hợp. Các mẹ đừng nghĩ cứ luyện ngủ là bỏ con bơ vơ, khóc ròng rã mấy tiếng. Đó chỉ là 1 lựa chọn dành cho những bà mẹ sắt đá như mình  T_T và những em bé dễ tính như My (Và ngay cả khi mình dùng Cry it out mình vẫn vào với con cách 5-10-15' (with checks) để vừa giúp con, vừa giúp mình yên tâm). Còn nhiều các phương pháp khác cho các mẹ sợ nghe con khóc, và những em bé với temperament nhạy cảm hoặc khó tính hơn. Mình sẽ đi chi tiết vào từng phương pháp ở post sau. Nhưng những điểm cơ bản mà tất cả các phương pháp đều cần xử lý là:  - Đảm bảo các nhu cầu cơ bản của bé như ăn, ị được đáp ứng trước khi ngủ, Môi trường ngủ tốt (có thể dùng máy tạo tiếng ồn hoặc không, có chút ánh sáng hoặc tối thui tùy bé). - Tạo ra 1 routine nhỏ trước khi đi ngủ và đi ngủ đúng giờ để tạo phản xạ buồn ngủ có điều kiện. - Đặt bé ngủ lúc bé BUỒN NGỦ chứ KHÔNG NGỦ HOÀN TOÀN. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo cơ hội cho bé được học cách tự ngủ. - Không phản ứng ngay tức thì như bế, dỗ dành, nhét ti giả khi trẻ khóc, cho bé chút thời gian tự xoay xở. - Hết sức tập trung quan sát chứ không bỏ bé một mình. - Kiên trì kiên trì kiên trì. Mẹ nào muốn tham khảo kinh nghiệm của cá nhân mình thì có thể xem video này tại đây! Các tài liệu tham khảo: 1. Mindell, J.A., B. Kuhn, D.S. Lewin, L.J. Meltzer, and A. Sadeh. Behavioral treatment of bedtime problems and night wakings in infants and young children. Sleep. 29(10): p. 1263-76. 2006.  2. Mindell, J.A., C.E. Du Mond, A. Sadeh, L.S. Telofski, N. Kulkarni, and E. Gunn. Efficacy of an internet-based intervention for infant and toddler sleep disturbances. Sleep. 34(4): p. 451-8. 2011.  3. Wolfson, A., P. Lacks, and A. Futterman. Effects of parent training on infant sleeping patterns, parents’ stress, and perceived parental competence. J Consult Clin Psychol. 60(1): p. 41-8. 1992.  4. Hiscock, H., J. Bayer, L. Gold, A. Hampton, O.C. Ukoumunne, and M. Wake. Improving infant sleep and maternal mental health: a cluster randomised trial. Arch Dis Child. 92(11): p. 952-8. 2007.  5. Hiscock, H. and M. Wake. Randomised controlled trial of behavioural infant sleep intervention to improve infant sleep and maternal mood. BMJ. 324(7345): p. 1062-5. 2002.