Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

"Mẹ kể con nghe những sự tích xa xưa về Tết..." - chùm truyện dân gian giúp bé tìm hiểu và thêm yêu Tết Việt

MamiBuy xin giới thiệu chùm truyện dân gian hay và ý nghĩa để mẹ kể bé nghe mỗi tối trong những ngày Tết, giúp mẹ giải thích cho bé về tục lệ cúng tiễn Táo Quân về trời, tục lệ trồng nêu trước cửa để xua đuổi quỷ dữ, và sự ra đời của chiếc bánh chưng bánh dày – món ăn tiêu biểu trong dịp năm mới của

MamiBuy xin giới thiệu chùm truyện dân gian hay và ý nghĩa để mẹ kể bé nghe mỗi tối trong những ngày Tết, giúp mẹ giải thích cho bé về tục lệ cúng tiễn Táo Quân về trời, tục lệ trồng nêu trước cửa để xua đuổi quỷ dữ, và sự ra đời của chiếc bánh chưng bánh dày – món ăn tiêu biểu trong dịp năm mới của người Việt Nam.   Sự tích Táo Quân   Thuở xưa có một cặp vợ chồng rất nghèo. Anh chồng làm không đủ ăn nên đâm ra buồn bã và tìm giải sầu trong men rượu. Khi nhậu say thì về nhà đánh đập vợ. Người đàn bà bất hạnh không chiụ đựng nổi, đành bỏ nhà ra đi. Một hôm đi lạc trong rừng suốt mấy ngày, đói lả và mệt mã. Sau cùng bà tìm thấy nhà của một anh thợ săn. Người thợ săn này rất tử tế, cho bà ăn uống đầy đủ lại còn bảo bà ta ở lại nhà ông ta nghỉ ngơi. Bà ta ở đó và dọn dẹp nhà cửa cho anh. Sau một thời gian, họ nên vợ chồng và sống thật hạnh phúc. Người đàn bà đã quên người chồng cũ rồi. Một ngày kia, trong khi người chồng thợ săn đang đi săn trong rừng, thì một người đàn ông trông có vẻ đau yếu, quần áo tả tơi bẩn thỉu đến nhà xin ăn. Người đàn bà động lòng thương mời vào nhà cho ăn. Trong khi anh ta ăn uống bà ta mới quan sát kỹ hơn và nhận ra đó là người chồng trước của bà. Bà cảm thấy thương hại anh ta, nên cho đồ ăn và một ít tiền bạc. Vừa lúc đó người chồng thợ săn trở về trông thấy vợ mình đưa cho người đàn ông lạ mặt vật gì liền sinh ra nghi ngờ. Anh ta cho là vợ mình lăng nhăng và không còn tin cậy nữa. Bà vợ cố gắng giải thích cho chồng nghe nhưng ông chồng không tin, không nghe. Bà vợ buồn rầu lắm. Một hôm trong khi nấu ăn bà ta nhảy vào lửa tự tử. Khi người chồng thứ nhất nghe tin vợ chết thì cảm thấy hối hận vì cho rằng đó là lỗi mình gây ra. Thế rồi anh ta cũng tự thiêu chết theo vợ. Người chồng thứ hai lúc bấy giờ mới tin vợ là người ngay lành. Anh ta cảm thấy hổ thẹn về thái độ của mình và buồn phiền về cái chết của vợ mình. Anh ta thấy không thể tiếp tục sống cô đơn nữa bèn tự thiêu chết theo vợ. Ngọc Hoàng trên trời biết được chuyện yêu đương tam giác và những lỗi lầm của họ nên cho họ biến thành “táo quân” (3 người thành 3 đầu chụm lại đỡ nồi nấu ở trên) có nhiệm vụ theo dõi việc nội bộ của các gia đình dưới trần gian. Vào cuối năm âm lịch, ngày 23 tháng chạp, táo quân lên chầu Ngọc Hoàng tâu lại mọi điều đã xảy ra trong nhà mình ở. Ngày đó, dân chúng dọn bữa cơm ngon để cúng, đưa ông táo về trời. Họ cũng đốt giấy bằng bạc, áo quần bằng giấy, vì cho rằng chuyện đó sẽ giúp ông táo trong cuộc hành trình về chầu Ngọc Hoàng.   Sự tích cây nêu ngày Tết   Xa xưa lắm rồi, có một thời loài Quỷ chiếm đoạt toàn bộ mặt đất. Loài Người chỉ được ăn nhờ ở đậu và làm ruộng cho Quỷ. Quỷ đối xử vô cùng tệ bạc với Người, bắt Người nộp phần lớn lương thực trồng trọt được, mỗi năm lại đòi nhiều hơn năm trước. Lúc đó loài Người chỉ biết trồng lúa thôi. Thế là Quỷ tai quái đòi hỏi, bắt Người “Nộp ngọn, giữ gốc” – tức là nộp toàn bộ cây lúa cho Quỷ, Người chỉ được giữ lại toàn gốc rạ mà thôi. Năm đó sau vụ gặt thì Quỷ béo mầm đắc ý, còn Người thì xương bọc da đói khát vô cùng thê thảm. Đức Phật thương xót muốn giúp Người chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của Quỷ. Phật bảo Người không trồng lúa nữa, mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Người làm theo Phật dặn. Quỷ không ngờ Người đã bắt đầu có mưu kế mới chống lại mình nên cứ nêu đúng thể lệ như mùa trước: “Lấy ngọn, trả gốc” Mùa thu hoạch ấy, Quỷ rất hậm hực nhìn thấy những gánh khoai lúc lỉu chạy về nhà Người đổ thành từng đống lù lù, còn nhà mình chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không nhá nổi. Nhưng ác nỗi, thể lệ đã quy định, chúng nó đành cứng họng không thể chối cãi vào đâu được. Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới “ăn gốc cho ngọn” – Người phải nộp gốc cho Quỷ, chỉ được giữ lại ngọn để ăn. Phật bảo Người chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo Người về nhà, còn gốc rạ thì để cho Quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên hố ăn cả gốc lẫn ngọn". Quỷ nghĩ: - "Cho chúng mày muốn trồng gì thì trồng đằng nào cũng không lọt khỏi tay chúng tao". Nhưng Đức Phật lại ra tay cứu giúp,  trao cho Người hạt giống cây ngô để gieo khắp nơi mọi chỗ. Năm ấy lại một lần nữa Người sung sướng trông thấy công lao của mình không uổng. Trong nhà Người thóc ăn chưa hết, từng gánh ngô đã gánh về chứa từng cót đầy ắp. Về phần Quỷ lại bị một vố cay chua, tức uất hàng mấy ngày liền. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Trong bụng chúng nó nghĩ: - "Thà không được gì cả còn hơn là để cho chúng nó ăn một mình". Phật bảo Người điều đình với Quỷ, mua của Quỷ một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa. Người sẽ trồng một cây tre trên có mắc chiếc áo cà sa, hễ bóng che bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì chỗ đất ấy thuộc sở hữu của Người. Ban đầu Quỷ không thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy giá bán cho Người rất hời, mà chỗ đất mà áo cà sa phủ bóng thì có bao nhiêu đâu, bèn nhận lời. Hai bên làm tờ giao ước: ngoài bóng áo cà sa che là đất của Quỷ, trong bóng che là của Người. Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Rồi bóng của áo cà sa cứ lớn dần, lớn dần, che kín khắp cả mặt đất. Bọn Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế; mỗi lần bóng áo tỏa ra, lấn dần vào đất chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi, lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa phải chạy ra biển Đông. Quỷ rất hậm hực, chiêu tập binh mã tiến vào đất liền đánh đuổi Người. Lần này Người phải chiến đấu với Quỷ rất gay go vì quân đội của Quỷ có đủ một bầy ác thú như voi, ngựa, chó ngao, bạch xà, hắc hổ, v.v... rất hung dữ. Nhưng đã có Đức Phật đánh Quỷ giúp Người, làm cho quân của Quỷ không tiến lên được. Sau những trận kịch chiến, Quỷ thua tan tác, phải cuốn gói ra đi, bộ dạng vô cùng thiểu não. Chúng rập đầu sát đất cố xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước. Phật thấy chúng khóc váng cả lên mới thương hại đồng ý. Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục cũ, trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Trên nêu có khánh đất, mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh. Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ - vì đây là những thứ Quỷ sợ nhất.   Sự tích bánh chưng bánh dày   Ngày xửa ngày xưa, sau khi Hùng Vương thứ 6 đánh dẹp xong giặc Ân, nhà vua có ý định truyền ngôi cho một trong các hoàng tử của mình. Nhân dịp năm hết, Tết đến, vua cho gọi các hoàng tử tới họp mặt và dặn dò: “Các con hãy về chuẩn bị những món ăn ngon, ý nghĩa để bày cỗ dâng cúng tổ tiên. Ai làm tốt nhất ta sẽ truyền ngôi cho.” Các hoàng tử tuân lệnh, đi tìm đủ thứ của ngon vật lạ trên đời, làm thành những món ăn sơn hào hải vị dâng lên vua cha. Ai cũng hy vọng mình sẽ chiến thắng cuộc thi. Trong số đó có người con trai thứ 18 của vua Hùng tên là Lang Liêu, tính tình hiền hậu, sống có đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Mẹ mất sớm, chàng không có ai chỉ dạy khuyên bảo, nên không biết phải làm thế nào trong cuộc thi dâng thức ăn này. Chàng vô cùng lo lắng. Một đêm, Lang Liêu nằm mơ thấy một vị Thần bảo chàng rằng: “Vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.” Lang Liêu tỉnh dậy vô cùng mừng rỡ. Chàng làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt nặn thành bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Chàng cũng đồ chín gạo nếp thành xôi, rồi giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dàỵ  Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân thịt mỡ, đậu xanh ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem món ăn của mình đến cúng tổ tiên. Thật là một mâm cỗ có một không hai – đủ loại sơn hào hải vị trên đời, các món ăn đều đẹp mắt và ngon lành. Hoàng tử Lang Liêu mang chiếc bánh chưng và bánh dày tới, trông bánh rất đơn giản, nhiều người tỏ ý coi thường. Nhưng rồi Lang Liêu tâu với vua cha về việc được Thần báo mộng, giải thích rõ ý nghĩa của bánh chưng tương trưng cho Đất, bánh dày tượng trưng cho Trời, có lá bọc ngoài và nhân trong ruột tượng trưng cho tình yêu thương của cha mẹ và con cái. Vua cha nếm thử, thấy bánh thơm ngon, lại có ý nghĩa cao đẹp như vậy, bèn hết sức khen ngợi. Lang Liêu trở thành người chiến thắng trong cuộc thi món ăn, và được truyền cho ngôi báu. Ông trở thành Hùng Vương thứ 7 của đất nước Việt Nam ta. Kể từ đó, mỗi khi mùa xuân về, đến dịp Tết Nguyên Đán, thì người Việt Nam lại làm bánh chưng và bánh dày để dâng cúng Trời Đất và tổ tiên.   Hy vọng những câu chuyện cổ tích giàu hình ảnh, ý nghĩa giáo dục cao này sẽ là những món ăn tinh thần tuyệt vời dành cho bé trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019. MamiBuy xin chúc các mẹ, các bé và cả gia đình một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc.