Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

Cùng bé tìm hiểu sự tích những đặc trưng của ngày Tết cổ truyền

Trong con mắt trẻ thơ, Tết là được cùng cả nhà quay quần gói bánh, được thức bên bếp lửa bập bùng trông nồi bánh chưng xanh, là loanh quanh cạnh mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả, là vui vẻ rửa hành cho bà muối, là đi dạo chợ hoa với bố mua cây đào cây quất, rồi háo hức trang trí ngôi nhà thật trang hoàng, lộ

Trong con mắt trẻ thơ, Tết là được cùng cả nhà quay quần gói bánh, được thức bên bếp lửa bập bùng trông nồi bánh chưng xanh, là loanh quanh cạnh mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả, là vui vẻ rửa hành cho bà muối, là đi dạo chợ hoa với bố mua cây đào cây quất, rồi háo hức trang trí ngôi nhà thật trang hoàng, lộng lẫy. Tết là vậy đấy, là dịp để gắn kết, để thương yêu, để cùng nhau kể về câu chuyện năm cũ, và hy vọng những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.   Tết người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ, mâm cỗ là các món ăn dịp tết đặc biệt mà ngày thường ít có. Mâm cỗ cúng tổ tiên bao giờ cũng thịnh soạn, nhiều món ăn với đầy đủ màu sắc khác nhau. Tùy vào từng vùng miền mà các món ăn ngày Tết có biến tấu đi đôi chút, nhưng dù có đi đâu, về đâu, đã là người Việt Nam khi nhắc đến mâm cỗ cổ truyền vẫn không thể nào quên được: “ Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”     Sự tích bánh chưng – bánh dày     Bánh Chưng chính là linh hồn, là sinh khí của mâm cỗ ngày Tết. Hãy kể cho bé nghe sự tích của món ăn Tết Việt cổ truyền: ”Bánh Chưng, bánh Dày”, về chàng Lang Liêu hàng ngàn năm trước đã làm nên thức bánh biểu trưng của trời đất, của ấm no và hạnh phúc, để ngàn đời sau, dân gian vẫn còn nhắc mãi, và con người cũng vẫn còn gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp này. Chuyện kể rằng:   Ngày xưa ở nước ta, trong số các con của vua Hùng Vương thứ 6, có một con người con trai tên là Lang Liêu. Các hoàng tử khác đều văn hay giỏi võ, nhưng lại không thích lao động chân lấm tay bung, chỉ riêng có Lang Liêu là chăm chỉ hiền lanh, ưa nghề trồng trọt. Chàng đem vợ con về quê vỡ nương, cuốc bãi, cùng với bà con nông dân đổ mồ hôi làm ăn nuôi miệng. Một hôm vào dịp cuối năm, vua Hùng Vương cho vời đông đủ các con đến và bảo: -  Đến ngày hội lớn đầu năm, ai tìm được của ngon vật lạ nhất đem đến để tế trời, đất thì sẽ được nhường ngôi.   Các hoàng tử tỏa đi khắp bốn phương. Người thì lên rừng đốc thúc bộ hạ săn thú, bắn chim. Kẻ thì xuống biển bắt dân chài mò trai, bắt cá. Riêng Lang Liêu rất băn khoăn lo lắng không biết tìm vật gì dâng lên vua cha. Một hôm đi thăm đồng, Lang Liêu thấy ruộng lúa nếp của mình đã chín vàng, những hạt nếp vừa mẩy, vừa thơm, tưởng không còn gì quí hơn nữa. Chàng về gọi vợ cùng bà con trong xóm ra gặt. Đến quá trưa gặt xong thửa ruộng, mọi người vui vẻ gánh lúa về. Tối hôm ấy, Lang Liêu đập lúa dưới trăng. Nhìn lên bầu trời trong xanh bát ngát, nhớ đến cánh đồng lúa mênh mông nuôi sống con người. Lang Liêu chợt nghĩ: -  Ta sẽ dùng nếp trắng thơm này để làm hai thứ bánh, một cái tròn như hình bầu trời cao xa, một thứ vuông giống như hình đất màu mỡ. Bánh ngon, thơm lại ngụ ý tốt, nhất định phải được mọi người quý trọng, vua cha hẳn vui lòng. Sáng hôm sau Lang Liêu đem ý định của mình nói với vợ con. Ai nấy đều mừng, cùng nhau bàn cách làm hai thứ bánh. Họ lấy gạo nếp vo kĩ, đồ xôi thật dẻo, cho vào cối giã thật mịn rồi nặn một thứ bánh hình tròn mịn màng và trong trẻo như bầu trời. Họ lại lấy lá dong tươi gói gạo nếp sống, ngâm đỗ xanh làm một thứ bánh hình vuông có màu xanh cây cỏ, có những thứ hạt nuôi sống người, giống như mặt đất. Để tiêu biểu cho loài muông thú trên mặt đất, Lang Liêu xách nỏ vào rừng săn lợn to để làm nhân thịt vào bánh. Bà con xung quanh vốn mến tính hiền lành chăm chỉ của Lang Liêu, thấy vợ chồng chàng bận rộn làm hai thứ bánh quý bèn kéo nhau sang làm giúp. Gói xong bánh hình đất, hai vợ chồng Lang Liêu xếp cả vào nồi lớn, nhóm lửa đun kĩ. Cả đêm hôm ấy, gia đình Lang Liêu quây quần xung quanh bếp lửa cho đến khi bánh chín. Sáng hôm sau, vợ chồng Lang Liêu sung sướng nhìn lại hai chiếc mâm lớn xếp đầy hai thứ bánh quý, kết quả công sức và sáng tạo của mình. Hai thứ bánh quả là món quà quý nhất, ngon nhất, lạ nhất để chàng dâng lên chúc thọ vua cha nhân ngày hội lớn đầu năm. Đúng ngày hội lớn, các hoàng tử mang của ngon, vật lạ các nơi về đông đủ. Bên cạnh những thứ đó, lễ vật của Lang Liêu có vẻ đơn giản quá. Nhưng sau khi nghe Lang Liêu tâu trình rõ cách làm và ý nghĩa của hai thứ bánh quý thì vua cha rất vui mừng và cảm động . Vua Hùng chọn hai thứ bánh của Lang Liêu để tế trời đất rồi chia cho các hoàng tử và các quần thần nếm thử. Ai cũng phải khen bánh có vị ngon, hương lạ mà lại có ý nghĩa sâu xa, đúng là của quý nhất trong ngày hội đầu năm. Vua Hùng thứ 6 bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, ngài đặt tên cho hai thứ bánh quý, bánh dày là hình bầu trời, bánh chưng là bánh hình mặt đất. Ngày Tết, được thưởng thức một miếng bánh chưng dẻo thơm, có màu xanh tươi mát lành của lá dong, thơm lừng của đậu xanh, ẩn sâu bên trong có thịt mỡ đượm vị tiêu cay cay, đậm đà ăn mãi không chán. Bởi thế mà tục lệ gói và thưởng thức bánh chưng dịp Tết chính là cách người Việt hướng về tổ tiên, nhớ về cội nguồn của người Việt Nam.   Sự tích cây hoa đào – miền Bắc:     Trong những gia đình miền Bắc, ngày Tết, có một cành hoa đào đặt trên bàn thờ gia tiên, có một cây/cành hoa đào trang trí trong nhà, cũng là một nét đặc trưng. Các bé có thể dễ dàng nhận ra đặc điểm này khi đi chúc Tết cùng bố mẹ, ở cả thành thị hay nông thôn. Nhưng cây đào có nguồn gốc từ đâu, bố mẹ cùng tìm hiểu và kể lại cho bé nhé:   Ngày xửa ngày xưa, có một cây hoa đào đã mọc trên núi Sóc Sơn, Bắc Việt rất lâu rồi. Cành lá của cây đào vô cùng to lớn, hoàn toàn khác với những cây đào khác, bóng cây rộng đến mức đủ che kín cả một vùng. Ngày đó ở trên cây đào khổng lồ có hai vị thần, một là Trà, còn lại là Uất Lũy. Cả hai đều có công tiêu diệt yêu quái, và bảo vệ cuộc sống hạnh phúc, yên bình của dân chúng trong vùng. Do sợ hãi quyền năng của hai vị thần kia nên lũ yêu quái cũng đâm ra sợ hãi cây đào. Nên khi nhác trông thấy cành hoa đào là chúng ngay lập tức bỏ chạy biệt tăm. Nhưng là vào những dịp cuối năm, thần Trà và thần Uất Lũy cũng phải trở về thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng như những vị thần khác. Vì thế mà lũ yêu quái lợi dụng dịp đó mà hoành hành khắp nơi khiến dân chúng không một ngày yên ổn. Vì bị yêu ma quỷ quái quấy phá suốt ngày nên người dân mới nảy ra một ý. Nhà nào nhà nấy đều đem vài ba cành đào về để trong nhà. Nhà nào không có hoa đào thì lại đem giấy hồng điều ra vẽ hai vị thần rồi đem dán trước cửa để xua ma đuổi quỷ. Kể từ ngày đó, vào dịp lễ Tết hàng năm, nhà nào cũng cố đi bẻ lấy một cành đào mang về để trong nhà đuổi ma trừ quỷ. Nhưng dần dà về sau, mọi người lại quên đi cái ý nghĩa vô cùng thần bí của tục này. Không giống với tổ tiên, họ dần không tin là có ma quỷ hay thần linh. Vì thế, cho đến ngày nay, dù hoa đào vẫn thường xuất hiện vào mỗi dịp tết đến xuân về nhưng nó đã không còn mang theo ý nghĩa vốn có của mình nữa. Giờ đây, vẻ đẹp từ những cành hoa đào đem lại cho mỗi nhà cảm giác ấm cúng, khiến lòng người trở nên vui tươi hơn và gieo thêm hy vọng cho một năm mới hạnh phúc, tốt đẹp hơn.   Sự tích cây hoa mai:     Tương tự như miền Bắc, mỗi gia đình miền Nam lại luôn sắm sửa cho mình một cây mai vàng rực rỡ. Ẩn dưới tục lệ này, là một câu chuyện đầy tính nhân văn và hiếu nghĩa:   Ngày xưa có một cô gái tên Mai con một người thợ săn vốn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn, cô gái đã được cha đào luyện trở thành một nữ hiệp sĩ vô cùng tài giỏi và tinh thông võ thuật. Lúc ấy có một con yêu tinh đến quấy phá một làng nọ, dân làng treo giải ai giết được yêu tinh sẽ được thưởng trọng hậu. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội và truyền rao khắp nơi. Vài năm sau người cha lâm bệnh nặng và sức khỏe ngày một yếu đi. Còn cô con gái thì đã bước qua tuổi mười tám, sức khỏe càng tăng lên gấp bội, võ thuật càng ngày càng tinh thông. Năm ấy yêu tinh rắn lại xuất hiện ở một vùng nọ và dân làng đến khẩn khoàn hai cha con đi giết yêu tinh. Trước khi con gái lên đường, người mẹ may cho cô một bộ đồ gấm màu vàng rất đẹp và cô gái hứa ngày trở về sẽ mặc bộ đồ vàng ấy cho mẹ nhìn thấy cô từ xa. Sau đó hai cha con trèo non lội suối tìm cho ra yêu tinh để tiêu diệt nó. Người cha vì sức yếu nên không phụ giúp được gì để cô con gái một mình chống chọi với yêu tinh. Nhưng cuối cùng cô gái cũng giết được nó. Nhưng rủi thay, trước khi chết, con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và xiết chết cô gái. Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái cũng như sự khóc lóc van nài của người mẹ tội nghiệp nên ông Táo trong nhà đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về với gia đình trong chín ngày. Thế là từ đó, cô gái được trở về nhà trong hình hài nguyên vẹn với gia đình trong chín ngày (từ 28 tháng Chạp cho đến mồng 6 Tết thì biến mất). Về sau khi cha mẹ và người thân của cô gái mất hết, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây hoa mọc bên ngôi miếu mà người dân đã lập nên để cúng bái cô. Thấy cây hoa lạ mọc lên bên miếu và cứ trổ hoa vàng suốt chín ngày Tết nên dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy là cây hoa mai và chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ xuân về, năm hết tết đến.   Sự tích cây nêu ngày Tết:     Cây nêu ngày tết đã là một truyền thống tốt đẹp của người Việt tự bao đời nay. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán, mỗi gia đình lại trồng trước sân nhà, hoặc dựng nêu trong nhà, phía trên có treo một số vật dụng mang tính chất biểu tượng, tùy phong tục địa phương. Sự tích của cây nêu như thế nào, bố mẹ có thể giải thích cho con cụ thể hơn nhé: Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất, còn Người chỉ làm thuê, và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay, và cuối cùng Quỷ tự cho mình hưởng quyền "ăn ngọn cho gốc". Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người được hưởng trọn củ khoai, còn Quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức 'ăn ngọn cho gốc'. Mùa kế, Quỷ chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả, Quỷ hưởng toàn rạ, lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau tuyên bố "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn Người thì thu hoạch cơ man là bắp ngô. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông. Mất đất sống, Quỷ huy động quân vào cướp lại. Phật bày Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột... Quỷ thua và bị đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho. Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền, người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ. Từ sự tích trên, có thể thấy "phiên bản gốc" của cây nêu là cây tre. Sự tích này cũng không vượt ra ngoài các đạo thuyết của Phật giáo và Lão giáo, cho rằng ngày Tết phải cắm nêu trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Cây nêu trở thành một biểu tượng bảo vệ sự bình yên của con người trong những ngày thánh thần về trời, còn con người vui chơi giải trí. ***** Với những ý nghĩa thiêng liêng mà bé “thu hoạch” được về những đặc trưng ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc, các bé hẳn sẽ rất hứng thú để có thể giúp mẹ cùng chuẩn bị một cái Tết thật đầy đủ. Để rồi, dù sau này có bay đến những miền xa,Tết cổ truyền vẫn luôn là cái hồn của dân tộc, của quê hương, mà mỗi người con đất Việt sẽ không bao giờ quên được. Đó là một phần trong nét văn hóa dân tộc, mà đời đời gìn giữ.