Sữa mẹ
Máy hâm sữa
Cọ bình sữa
Tiểu đường thai kì
Vỡ tử cung
Xuất tinh sớm

“Làm sao để dạy con thành người tử tế?" - nỗi lo của cha mẹ trong xã hội hiện đại nhiều biến động

Bạo lực học đường/ gia đình, trẻ em phạm tội, thanh thiếu niên mất phương hướng, thiếu động lực sống, môi sinh bị hủy hoại… - những thông tin tiêu cực như thế này dường như đang xuất hiện dày đặc trong một xã hội hiện đại nhiều biến động phức tạp. Giữa vòng vây của sự chán chường, bất an, một nỗi lo

Bạo lực học đường/ gia đình, trẻ em phạm tội, thanh thiếu niên mất phương hướng, thiếu động lực sống, môi sinh bị hủy hoại… - những thông tin tiêu cực như thế này dường như đang xuất hiện dày đặc trong một xã hội hiện đại nhiều biến động phức tạp. Giữa vòng vây của sự chán chường, bất an, một nỗi lo đang dấy lên ngày một lớn trong lòng những người làm cha mẹ: “Làm sao để dạy con mình trở thành một người tử tế?” Rất nhiều người đã lo lắng tự hỏi: chuyện gì đang xảy ra với xã hội của chúng ta vậy? Trong tương lai, khi nhưng em bé của chúng ta trưởng thành, thì những điều tốt đẹp như tính nhân văn, lòng cảm thông liệu còn tồn tại được bao nhiêu? Chính bố mẹ đang nắm giữ một phần quan trọng của câu trả lời. Tuy không thể quyết định tất cả mọi thứ, nhưng sự dạy dỗ của bố mẹ đối với con trẻ ngày hôm nay có thể nói chính là ảnh hưởng lớn nhất đến tốt xấu của xã hội tương lai. Vậy làm sao để gieo vào trái tim trẻ những hạt giống của sự yêu thương, lòng trắc ẩn và đồng cảm? Hãy cùng tham khảo những hướng dẫn của HuffPost, tổng hợp nhiều ý kiến của các nhà tâm lý học, chuyên gia giáo dục và các vị phụ huynh:   1. Luôn sát sao rèn luyện các kỹ năng về cảm xúc cho con Cánh cửa của sự đồng cảm là khả năng nhận biết cảm xúc. Hãy khuyến khích con giao tiếp trực tiếp, hạn chế nhắn tin hay chat chit, nhất là với các biểu tượng emoji. Đó là cách đơn giản nhất để thúc đẩy khả năng nhận biết cảm xúc của trẻ. Bố mẹ hãy rèn cho con tuân thủ quy tắc “luôn nhìn vào mắt người đối diện khi giao tiếp” để giúp con hiểu được cảm xúc của đối phương. Dạy con xác định cảm xúc của chính mình từ sớm, bằng cách dùng nhiều ngôn ngữ biểu cảm, gợi ý cho con gọi tên các cảm giác. Ví dụ “Hình như con đang chán nản/ thất vọng/ tức giân?”. Con cần phải hiểu được cảm xúc của bản thân, rồi phát triển khả năng tự điều chỉnh, và tiếp theo, sẽ thấu hiểu được cảm xúc của người khác. Vậy nên, nếu như các cha mẹ quan tâm đến việc dạy con về màu sắc, chữ cái, số đếm như thế nào, thì hãy cũng chăm chỉ hướng dẫn con nhận biết các cảm xúc như thế nhé. Ví dụ như khi đang đi ra ngoài chơi, bố mẹ hay hỏi con “Chiếc xe kia màu gì? Có bao nhiêu cái cây ở đây?”, thì cũng hãy thêm cả những câu hỏi như “Con thấy bạn nhỏ kia không, bạn ấy đang vui hay buồn?” Một trò chơi đơn giản tại nhà như làm các biểu cảm gương mặt khác nhau và yêu cầu con gọi tên cảm xúc cũng rất có hiệu quả trong việc luyện cho con phản xạ chú ý đến các tín hiệu trên khuôn mặt người khác. Dần dần bố mẹ có thể thảo luận với con về từng tình huống, câu chuyện bằng những câu hỏi như: “Bố sẽ cảm thấy thế nào khi đi làm về mà thấy con bày bừa khắp phòng nhỉ?” hoặc “Nếu như con nói thế này với mẹ, mẹ sẽ cảm thấy rất buồn.”   2. Hãy là tấm gương sáng Con trẻ hiểu được nhiều hơn những gì bạn nói. Nếu bố mẹ luôn dạy con phải quan tâm đến người khác, nhưng chính bố mẹ lại không làm thế, thì con sẽ chẳng thiết nghe lời. Hãy luôn bày tỏ với con về tâm trạng của bạn, ví dụ “Hôm nay bố đã làm việc rất mệt, nhưng lại rất vui.” Hoặc “Con nói như thế làm mẹ cảm thấy rất thất vọng.” Việc này sẽ giúp con dễ cởi mở để chia sẻ ngược lại với cha mẹ. Muốn con trẻ biết đồng cảm với người khác, bạn hãy thể hiện điều đó với chúng trước. Ví dụ như thay vì “Con có nhanh lên không thì bảo, trễ giờ làm của mẹ bây giờ!” thì ta nhìn vào mắt con, đặt tay lên vai con và nói “Mẹ biết con vẫn muốn ở nhà thêm một lúc, nhưng việc đến trường và đến công ty rất quan trọng…”   3. Ghi nhận nghĩa cử của con Cũng quan trọng như việc khen ngợi thành tích học tập của con, bố mẹ cũng cần tán thưởng những ứng xử tốt đẹp của con với người khác. Hãy cho con thấy con đang làm những điều đáng quý.  Ví dụ như “Con nhìn kìa, chú mèo hoang đó đang cám ơn vì con mang thức ăn cho nó đấy.” hoặc “Con thật tử tế khi giúp đỡ cụ già ấy.”   4. Thành thật đối mặt với lỗi lầm Đừng để con nghĩ rằng: “Ờ, trẻ con mắc lỗi thì phải xin lỗi và bị phạt, còn người lớn thì có quyền mắc lỗi và chả làm sao cả.” Nếu bố mẹ có lỡ nóng nảy, cư xử thô lỗ, hoặc mắc một lỗi ứng xử nào khác, thì hãy thừa nhận điều đó với con. Bạn có thể nhắc lại tình huống đó (bất kể là bạn nghĩ con có để ý đến lỗi lầm của bạn hay không), và thành thật tỏ ra hối hận. Ví dụ “Lúc nãy mẹ vừa cáu kỉnh với cô bán hàng. Trong khi cửa hàng thì rất đông và cô ấy rất bận. Lẽ ra mẹ phải lịch sự hơn mới đúng.” Thành thật nhận sai không chỉ giúp ảnh hưởng tốt tới con cái, mà còn giúp cho chính bố mẹ cải thiện bản thân lên từng ngày.   5. Đọc sách, xem phim cùng nhau Những bộ phim gia đình, những tác phẩm văn học cho thiếu nhi chính là các món ăn tinh thần tuyệt vời để cả nhà nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng tử tế. Bố mẹ có thể cùng con trò chuyện về các tình huống trong sách hay phim, phân tích cảm xúc của nhân vật, đề cao lòng tốt của họ. Một số tác phẩm nên tham khảo là Harry Potter, Giết con chim nhại, những bộ phim hoạt hình Disney, truyện tranh Doraemon…   6. Cho con thấy sự đa dạng của xã hội Cha mẹ cần để con học cách lớn lên trong một xã hội vô cùng đa dạng với mọi chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, thể chất, khả năng … Để giúp con tiếp xúc với sự đa dạng của thế giới, cha mẹ có thể cho con đọc sách, xem truyền hình, ăn uống tại các nhà hàng ngoại quốc khác nhau, tham quan bảo tàng, tham gia hoạt động cộng đồng, và cả những sự kiện của nhiều tôn giáo hoặc dân tộc khác nhau nữa. Hãy giúp con đón nhận và hòa đồng với mọi người, nâng cao nhận thức về văn hóa, và tuyệt đối loại trừ những nội dung giải trí có tính kỳ thị, phân biệt đối xử.   7. Thiết lập một văn hóa gia đình đầy tình yêu thương Cả nhà hãy cùng nhau thực hiện những thói quen nhỏ nhưng ý nghĩa này: - Dành thời gian của bữa ăn tối để chia sẻ với nhau về những hoạt động đã làm trong ngày - Chơi một số trò chơi chung (ô chữ, xếp hình…) - Cùng nhau làm từ thiện, việc tình nguyện. - Cư xử với nhau để giúp bé nhận ra rằng “Cho đi còn tốt đẹp hơn là nhận được.” - Cam kết sẽ thực hiện một số việc/ thói quen tốt, và “họp” định kỳ để thảo luận xem các thành viên gia đình có tuân thủ tốt không. - Khi con cư xử không tốt, bố mẹ nghiêm túc yêu cầu con làm lại, chỉ ra rằng như vậy không phải để làm cho con xấu hổ, mà là cho con một cơ hội để làm tốt hơn. - Chỉ cho con thấy, ngay cả trong thời đại văn hóa nhiều va chạm, giận dữ, bạo lực, nhưng vẫn có rất nhiều sự tử tế xung quanh chúng ta. Những hành động tử tế dù nhỏ bé thế nào cũng vẫn mang đến kết quả tốt đẹp hơn. Ví dụ như một nụ cười, một lời cảm ơn, một cử chỉ nhường nhịn… Thay lời kết, MamiBuy xin gửi tới các cha mẹ một câu nói của tác giả nổi tiếng L.R. Knost: "Nhiệm vụ của cha mẹ không phải là tôi luyện cho con trở nên sắt đá để đối mặt với thế giới khắc nghiệt và vô cảm, mà là nuôi dạy nên những đứa trẻ sẽ khiến cho thế giới này bớt khắc nghiệt và vô cảm đi."